Mô hình Phòng khám Bác sỹ gia đình (BSGĐ) là cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đồng thời là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo quy định của Bộ Y tế, bác sỹ gia đình là bác sỹ đa khoa thực hành, có chức năng cơ bản là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp và liên tục cho các thành viên trong hộ gia đình, quản lý, cung cấp toàn bộ các dịch vụ chăm sóc y tế hoặc hỗ trợ cho các thành viên của hộ gia đình được sử dụng các nguồn lực y tế và dịch vụ xã hội khác.
Quy mô một phòng khám BSGĐ bao phủ một cụm dân cư tối thiểu 500 dân. Trong giai đoạn 2013 – 2020 Bộ Y tế triển khai đề án BSGĐ với mục tiêu là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGÐ trong hệ thống y tế Việt Nam, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện.
Ảnh Internet
Theo đề án, việc xây dựng và phát triển mạng lưới BSGĐ sẽ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, bao gồm: Hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập; phòng khám BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường, đặc biệt là phòng khám BSGĐ tư nhân để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình.
Theo mô hình này, BSGĐ đảm đương 3 vai trò chính: Khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Họ sẽ khám sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường để tránh trường hợp người dân tự ý chuyển lên tuyến trên điều trị.
Qua đó góp phần giảm bớt gánh nặng về thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, giảm sự quá tải bệnh viện, đồng thời tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân cũng như cho ngành Bảo hiểm y tế…
Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phân tích: “BSGĐ hoàn toàn khác với bác sĩ đến khám tại nhà. Khám tại nhà chỉ là đến khám và đi về, mang tính nhất thời, còn BSGĐ là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục và có tính cộng đồng cao, bởi họ còn có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mãn tính. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình”.
Ảnh Internet
Đi vào hoạt động hơn một năm qua, Trung tâm bác sĩ gia đình Hà Nội (75 Hồ Mễ Trì) là mô hình tư nhân đầu tư, thuộc Sở Y tế Hà Nội quản lý, có lượng khách hàng tăng đều đặn. Mỗi ngày có khoảng 5-10 khách hàng yêu cầu khám tại nhà và hằng tháng đều có thêm các hợp đồng yêu cầu dịch vụ bác sĩ riêng.
Trung tâm phục vụ gần như bao phủ các quận, huyện của Hà Nội, có những khách hàng ở cách trung tâm hơn 20 km.
BS Nguyễn Tá Dũng, Giám đốc trung tâm, cho biết dịch vụ đăng ký khám tại nhà được lựa chọn nhiều với các trường hợp có bệnh mãn tính: đái tháo đường, xương khớp, người có cơn tăng huyết áp... Riêng đăng ký khám cho bệnh nhi chiếm 50% các khách hàng đăng ký khám tại nhà.
“Nhiều trường hợp chúng tôi phải khám trong tình huống bệnh nhân yêu cầu rất gấp gáp như: bệnh nhi sốt cao co giật, ngộ độc thực phẩm, người có cơn tăng huyết áp, hoặc yêu cầu vào lúc đêm hôm, mưa gió, nhưng BS vẫn xác định đáp ứng nhu cầu sớm nhất có thể, trung bình có mặt trong vòng 30 phút sau khi nhận được yêu cầu…”, BS Dũng chia sẻ.
Theo tính toán của một khách hàng có con 3 tuổi, nhà ở Q.Hai Bà Trưng, với chi phí 350.000 đồng/lần khám tại nhà là khá phù hợp, vì đến phòng khám tư uy tín cũng mất từ 150.000 - 300.000 đồng/lần, khám chỉ vỏn vẹn trong 5 phút mà chờ đợi có thể cả giờ đồng hồ, chưa kể công đi lại rất vất vả.
Tuy nhiên, theo chị Minh Trang (khu đô thị Nhân Chính): “Dịch vụ cần cân nhắc, nên thu phí thấp hơn cho các khách hàng ở gần. Ngoài ra, để phục vụ tốt, cần có đội ngũ bác sĩ có năng lực đồng đều”.
Với mô hình bệnh tật ở nước ta hiện nay đang đan xen giữa các bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, các bệnh viện chưa đáp ứng kịp thì mô hình BSGÐ là rất phù hợp.