Minh bạch, công khai để người dân được tiếp cận thông tin

Mai Thoa| 14/01/2016 21:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 14/1, tại phiên họp 44, UBTVQH đã cho ý kiến về Luật Tiếp cận thông tin.

Theo đó, nhiều nội dung quan trọng như trình tự thủ tục quy định thông tin mật của cơ quan Nhà nước; cơ quan nào chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân được các đại biểu quan tâm, thảo luận.

Cần xác định đâu là thông tin mật

Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin  (Luật TCTT)  quy định về quyền của công dân về tiếp cận thông tin do cơ quan Nhà nước tạo ra; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; không điều chỉnh việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan báo chí và nhà báo phục vụ hoạt động báo chí; việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan Nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan Nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật này. Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị quy định rõ tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật về thông tin thuộc bí mật Nhà nước, quy định cụ thể về thông tin mật, mức độ bí mật và thời hạn giải mật. Ý kiến này cho rằng, hiện nay việc bảo vệ bí mật Nhà nước được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Theo UBPL Quốc hội, vấn đề bảo vệ bí mật Nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Hiện nay, về tài liệu mật ở nước ta được quy định tại Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp. Bởi vì, theo quy định của Hiến pháp 2013 thì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Điều 14 dự thảo Luật quy định về những thông tin phải được công khai là chưa đủ. Hiện nay đã có quy định công khai thông tin, tiếp cận thông tin trong nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng… Dự thảo Luật phải xem xét lại để tránh những thông tin đã quy định ở các Luật khác rồi lại quy định lại, hoặc bị thiếu. Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ những thông tin nào công khai và nói rõ những thông tin nào đã có ở Luật chuyên ngành rồi, tránh bị chồng chéo và người dân tiếp cận không đầy đủ.

Minh bạch, công khai để người dân được tiếp cận thông tin

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần quy định những thông tin gì người dân được tiếp cận và không được tiếp cận, nếu không Luật sẽ không có giá trị. Đồng thời phải nói rõ loại nào được bí mật, loại nào không được bí mật, làm thế nào để cơ quan căn cứ vào đó đóng dấu mật những nội dung theo quy định, chứ không thể để họ đóng dấu mật thoải mái, còn người dân thì không tiếp cận được.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, sẽ cố gắng rà soát lại những thông tin gì công khai và không công khai để cụ thể hóa vào dự thảo Luật này. Tất cả các nước đều có quy trình giải mật, trong luật này, tất cả những gì không mật, được công khai hoặc đã được giải mật thì công dân có quyền tiếp cận. Dự thảo Luật cũng đã có một chương riêng quy định về những thông tin gì thuộc mật và những thông tin nào người dân được tiếp cận. “Chúng tôi cố gắng làm thế nào để Luật này bao quát được hết các vấn đề cơ yếu nhất của việc tiếp cận thông tin đối với người dân”, Bộ trưởng khẳng định.

Có nên mở rộng chủ thể cung cấp thông tin?

Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin Điều 6, dự thảo Luật quy định gồm các quan hành chính nhà nước từ cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước... khi thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng ngân sách Nhà nước, vì có rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Báo cáo giải trình tiếp thu của UBPL Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm này, vì trên thực tế ở nước ta hiện nay cho thấy, bên cạnh các cơ quan nhà nước thì nhiều tổ chức được giao thực hiện chính sách, dự án lớn của Nhà nước có các hoạt động liên quan đến quyền của công dân… như dự án xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm hoặc tiếp nhận quản lý khoản viện trợ của nước ngoài. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường học, bệnh viện có thu viện phí, học phí, có tuyển dụng viên chức, người lao động; nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và thực hiện các chương trình, đề án lớn của Nhà nước... Những thông tin này cũng rất cần công khai, minh bạch để công dân tiếp cận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và lợi ích hợp pháp của nhà nước.

Tuy nhiên, phía Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, quy định chủ thể cung cấp thông tin chỉ bao gồm các cơ quan Nhà nước là phù hợp với tổ chức, hoạt động của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta hiện nay; hơn nữa, hầu hết các thông tin trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước là do các cơ quan tạo ra và quản lý. Việc tiếp cận thông tin của các chủ thể khác được thực hiện theo các quy định khác của pháp luật, như pháp luật về phòng chống tham nhũng, doanh nghiệp Nhà nước, ngân sách Nhà nước, y tế, giáo dục...

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, để tránh lạm dụng việc đòi cung cấp thông tin để làm những việc khác như khiếu nại, tố cáo… gây bất ổn trong các cơ quan Nhà nước, Luật quy định chỉ cung cấp thông tin tối đa 2 lần, đến lần thứ 3 phải đưa ra lý do cụ thể, chính đáng. Ví dụ, việc lấy phiếu tín nhiệm, vì một lý do nào đó mà họ kéo đến cơ quan đòi cung cấp thông tin rất phức tạp.

Theo Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý: Thông tin rất nhiều, nếu quy tụ tất cả thông tin vào Luật này rất khó, riêng Luật Phòng chống tham nhũng đã có một chương riêng về thông tin tiếp cận và cung cấp thông tin cho người dân khi tiếp cận lĩnh vực này. Do vậy, dự thảo Luật quy định rõ thông tin nào được tiếp cận và không được tiếp cận. Bộ Tư pháp vẫn giữ nguyên quan điểm về việc chỉ cơ quan Nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm cung cấp thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là dự án Luật lần đầu tiên được ban hành, cụ thể hóa Điều 25 Hiến pháp 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Vì vậy, phải quy định rõ phạm vi điều chỉnh, nội hàm của Luật này; làm rõ loại thông tin nào được tiếp cận, thông tin nào bị cấm phải minh bạch, rõ ràng cũng như trình tự, thủ tục, chủ thể cung cấp và tiếp nhận thông tin, tránh tình trạng ngăn cản việc tiếp cận của người dân và người dân lợi dụng việc đòi cung cấp thông tin để gây khó dễ cho cơ quan Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch, công khai để người dân được tiếp cận thông tin