Miệt mài “gieo” chữ giữa đại ngàn

Sơn Tùng| 22/03/2016 05:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giữa núi rừng dù còn nhiều thiếu thốn và khó khăn, thế nhưng các giáo viên vùng cao vẫn không ngần ngại, vẫn quyết tâm “cắm bản” mang kiến thức đến cho các em đồng bào dân tộc.

Cách Trung tâm thành phố hơn 100km, Trà Nam là một xã của huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Có đặt chân lên đây, tận mắt chứng kiến mới hiểu hết những gian lao, vất vả mà các thầy cô giáo cắm bản giữa đại ngàn Trường Sơn gặp phải trên con đường mang con chữ đến cho các em học sinh.

Dù con đường còn nhiều khó khăn, cơ cực nhưng điều đó không làm các thầy cô giảm đi sự nhiệt huyết của mình. Ngày qua ngày những giáo viên nơi đây vẫn miệt mài cắm bản, gieo mầm kiến thức cho các em đồng bào người Xê Đăng.

Miệt mài “gieo” chữ giữa đại ngàn

Dù điều kiện vẫn còn khó khăn nhưng các cô giáo vẫn miệt mài cắm bản

Miệt mài “gieo” chữ giữa đại ngàn

Được sự vận động của các thầy cô và chính quyền, các em đồng bào Xê Đăng vẫn ngày ngày đến lớp

Nằm chơi vơi giữa rừng núi, trường điểm Long Túc, thuộc thôn 3, xã Trà Nam từ phía xa đã nghe văng vẳng giọng đọc của các em học sinh. Qua trò chuyện, cô giáo miền sơn cước Hồ Thị Mỹ Yến chia sẻ: “Trường Long Túc có 45 em học sinh chia thành 2 lớp, các em học sinh ở đây hầu hết là dân tộc Xê Đăng. Các thầy cô muốn vào được trường dạy học phải đi bộ mất gần 2 tiếng đồng hồ. Vì đường sá đi lại rất khó khăn, nên hầu hết chúng tôi đều ở lại tại đây. Khoảng 3 tuần sau, chúng tôi đi bộ xuống núi ra trung tâm xã lấy xe máy chạy về dưới xuôi mua lương thực cũng như thăm gia đình”.

Còn cô Nguyễn Thị Thành, giáo viên chủ nhiệm điểm trường Tak Ta - Mang Liệt, thôn 4, xã Trà Nam tâm sự: “Lúc mới lên trên này, tôi cũng rất buồn vì nhớ nhà và gia đình. Sau một thời gian giảng dạy thấy các em học sinh dù khó khăn nhưng vẫn rất chăm học, điều đó thật sự làm tôi xúc động cũng như yêu thương các em hơn. Hiện trường có 27 học sinh, từ 3 đến 5 tuổi, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc hai thôn Tak Ta và Mang Liệt".

Cô giáo Thành cho biết thêm, trước đây, việc vận động các gia đình cho con em đi học rất khó khăn, đặc biệt là đồng bào người Xê Đăng, có trường hợp do hoàn cảnh gia đình, các em không được đến lớp, các thầy cô giáo phải tìm đến tận nhà vận động. Đồng thời giáo viên cũng tham gia vào các buổi sinh hoạt của bản để động viên, phân tích cho bậc phụ huynh biết được tầm quan trọng và quyền được đi học của các em, để phụ huynh tạo điều kiện cho con mình được đến trường. Thời gian đầu khó khăn là vậy nhưng bằng sự kiên trì và cố gắng, đến nay việc đó đã được nhà trường thực hiện khá tốt.

Miệt mài “gieo” chữ giữa đại ngàn

Điểm trường Tak Ta - Mang Liệt

Miệt mài “gieo” chữ giữa đại ngàn

Điểm trường Long Túc

Qua tìm hiểu được biết, đa số các điểm trường trên địa bàn xã Trà Nam vẫn chưa có điện lưới quốc gia, điện thắp nơi đây chủ yếu nhờ vào các nhà dân sử dụng máy điện nhỏ đặt ngoài khe suối nhưng lúc được lúc mất. Buổi tối để soạn giáo án các cô giáo ở đây phải sử dụng đèn dầu hỏa.

Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn là vậy, nhưng các giáo viên nơi đây vẫn yêu nghề, vẫn vượt rừng miệt mài dạy học cho các em đồng bào dân tộc. Có thấy được những điều đó mới thấu hiểu được sự cao quý của nghề giáo, mới cảm thông sâu sắc cuộc sống của người dân và giáo viên giữa chốn núi rừng.

Rời xã Trà Nam, chúng tôi thầm cảm ơn những người đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình, không quản ngại khó khăn để "gieo" những con chữ giữa đại ngàn Trường Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miệt mài “gieo” chữ giữa đại ngàn