Miễn phí, giảm giá 15 dịch vụ để hỗ trợ thị trường chứng khoán trước dịch Covid-19

Lan Trần| 19/03/2020 15:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bộ Tài chính thông tin, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán.

Cụ thể, giảm từ 15%-20% đối với 2 dịch vụ bao gồm dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Giảm từ 30%-50% đối với 4 dịch vụ là dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Miễn phí, giảm giá 15 dịch vụ để hỗ trợ thị trường chứng khoán trước dịch Covid-19

Thị trường chứng khoán bao trùm sắc đỏ trong một phiên giao dịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thông tư cũng nêu rõ, không thu đối với 6 dịch vụ bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua  hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD); đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Trên cơ sở mức giảm giá dịch vụ quy định tại Thông tư này, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Điều 2 Thông tư số 128/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ do đơn vị mình cung cấp tương ứng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá và pháp luật có liên quan.

Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ quy định tại Thông tư ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020). Trường hợp tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Ví dụ như ngay trong ngày 19/3, chốt phiên sáng, sàn HOSE có 49 mã tăng và 308 mã giảm (31 mã giảm sàn), VN-Index giảm 27,3 điểm (-3,65%), xuống 720,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 212,2 triệu đơn vị, giá trị 2.138,4 tỷ đồng, tăng gần 45% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,8 triệu đơn vị, giá trị 422,9 tỷ đồng.

Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip giảm sâu, trong đó tại rổ VN30 chỉ còn ROS tăng trần +6,8% lên 5.630 đồng và SSI đứng tham chiếu tại 13.700 đồng, còn lại đều giảm, trong đó không ít mã giảm sâu.

Tại thị trường UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chịu áp lực từ sớm và lui về xuống dưới tham chiếu, sau đó chìm dần về các mức giá thấp hơn cho đến hết phiên. Tạm dừng phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,87%), xuống 49,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,9 triệu đơn vị, giá trị gần 60 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,24 triệu đơn vị, giá trị 2,7 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc giảm giá dịch vụ trong bối cảnh hiện nay hợp lý và cần thiết để hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Ông Dũng cũng nhìn nhận, thực thế những ngày qua cho thấy, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành cả nước trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thì Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc bằng việc giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, giảm lãi suất điều hành, lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo UBCKNN mong các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tiếp tục vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miễn phí, giảm giá 15 dịch vụ để hỗ trợ thị trường chứng khoán trước dịch Covid-19