Cõi ấy là nơi các vị thánh thần cư ngụ hoặc du sơn ngọa thủy đều đặn ghé bến. Chợt nhớ câu thơ của một thi sỹ miền địa đầu nồng say Hà Giang nước mình: “Quê hương tôi tự nó đã cao rồi”.
Tây Tạng, nền đất thủ đô Lhasa đã cao khoảng 4.000m so với mực nước biển. Bhutan, thủ đô Thimphu cũng chỉ thấp hơn Lhasa có một tẹo. Tức là quê hương của người, của miền chư thiên ấy, từ thuở tạo sơn triệu triệu năm trước đã vinh quang gánh sự khắc nghiệt cũng như sự lãng mạn của nóc nhà thế giới rồi.
Cao như Tây Tạng tôi đã đến. Với tư cách là quốc gia nhỏ nhất thế giới về diện tích và dân số như thành quốc Vatican (chưa đầy 1.000 người, đi bộ một chầu là viền quanh trọn vẹn biên giới quốc gia), tôi cũng đã sống và mơ mộng. Nhưng! Nhân loại ở thế kỷ 21 này, chắc chắn chỉ có một mình đất nước Bhutan là không có cái đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ nào. Đức Vua thế tục, Vua Phật giáo rồi cả Thủ tướng Bhutan đáng kính và vô cùng thân thiện kia, các vị ấy đều đi ô tô, nhưng xe của các ngài và xe của hơn 700.000 dân Bhutan, chưa bao giờ phải (được) dừng đèn đỏ trên quê hương họ.
Không đèn xanh đèn đỏ, đó không phải là sự lập dị chơi trội, mà trong sâu thẳm, nó là một triết lý sống. Sống chậm. Và người Bhutan làm thế giới đảo điên hâm mộ cũng vì họ sống chậm, sống hoà nhập gần như tuyệt đối với thiên nhiên lộng lẫy thăm thẳm trên dãy Hymalaya hùng vĩ. Các tuyên bố của Thủ tướng Bhutan, ngài Tshering Tobgay, trước thế giới đã cho loài người biết đến một vùng đất hạnh phúc nhất, đáng sống nhất địa cầu.
Triết lý về chỉ số hạnh phúc của Bhutan đã cho hơn 7 tỷ người trên trái đất một cơ hội nhìn lại và tỉnh ngộ trước những tham sân si cùng sự nô lệ, dắt mũi bởi thiết bị công nghệ. Giống như mấy trăm nghìn đàn ông Bhutan khác, Thủ tướng Tshering Tobgay cũng tham dự hội nghị toàn cầu với bộ Gho truyền thống, vạt váy dài đến đầu gối (giống hệt váy), để lộ cặp giò đeo bít tất màu đen, đi giày da đen. Vị Thủ tướng trẻ măng này luôn thân thiện qua các bài phát biểu đầy minh triết. Các yếu nhân trên thế giới lặng im.
Ông bảo, rừng nguyên sinh ở Bhutan che phủ hơn 70% diện tích lãnh thổ. Quốc gia này hoàn toàn miễn phí về y tế, giáo dục cho dân chúng. Bhutan là quốc gia không phát thải khí nhà kính, là nơi coi hạnh phúc của dân cư là điều quan trọng nhất cho mọi nỗ lực của Nhà nước và nhân dân - dù Bhutan kế bên các cường quốc đông dân nhất, cũng gây ô nhiễm bầu khí quyển nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ. Ngài Thủ tướng đáng kính cũng sắc sảo lên án các cường quốc công nghiệp phát thải khí nhà kính lớn nhất nhưng luôn trây ì, mải cãi nhau, đổ lỗi cho nhau, để người Bhutan không phát thải khí nhà kính nhưng vẫn phải gánh chịu hậu quả băng tan, mưa lũ, sạt lở đất do bầu khí quyển bao năm rên xiết trước sự “nấu sôi” (từ ngữ nguyên văn của ngài Thủ tướng) bởi những tham vọng đáng trách.
Tôi đến thăm khu làm việc của nhà vua, của Chính phủ Bhutan, dự lễ thượng cờ và hạ cờ. Quả thật, rừng lộng lẫy vàng ươm dưới nắng thu trong vắt như thuở hồng hoang. Vẻ đẹp thánh thần của thiên nhiên ấy đã không thể không khiến người ta nghĩ đến một cõi thiên đường nơi hạ giới. Khu làm việc của Vua và các VIP rất giản dị. Hàng rào sắt hoen gỉ, vài cái mũ cũ rách ai đó treo trên cọc sắt như bù nhìn giữ dưa. Lễ thượng cờ linh thiêng, có vài vị sư trẻ, mũ mãng kỳ khôi, thung thăng áo dài vàng dẫn theo mấy chục tiêu binh đẹp trai lồng lộng tỏ ra rất trang nghiêm. Cờ to, cầu kỳ, cột cờ bằng gỗ điêu khắc hoa văn, sơn màu sắc với rồng cuốn rất mỹ miều. Bởi Bhutan là đất nước của Rồng Sấm, cờ của họ có hình rồng bay uyển chuyển.
Cảm nhận xuyên suốt nhất: người Bhutan họ giản dị và sống quá chậm. Mấy vị sư mũ áo như trong Tây Du Ký vừa đi vừa nói chuyện, ngó cả đầu sang nhau tâm sự trong lễ thượng cờ mà hàng trăm người đến từ nhiều quốc gia đang thành kính chiêm bái. Họ hồn nhiên, luôn tràn ngập sự an nhiên tự tại. Với nhiều người, điều này thật khó lý giải. Nhưng tôi ở Bhutan chỉ 10 ngày, đã có thể lý giải được phần nào sự đủng đỉnh này của người dân miền đất chư thiên. Không cần vật chất gì cao xa. Các vị sư tu trên hệ thống đỉnh núi cao ngất trời. Những tu viện lồng trong mây, đứng dưới đường nhựa nhìn lên chỉ bé như cái tổ chim chích. Hầu hết các vị sư được Chính phủ phát gạo và quần áo để yên tâm tu tập. Thanh niên được cấp tiền cho ra nước ngoài du học với một tỷ lệ cực lớn. Y tế, giáo dục miễn phí. Ai mua ô tô hay xây nhà mà cần vay tiền thì Chính phủ cho vay không lãi suất tới 20 năm ròng.
Dường như một cuộc sống vô ưu hiển hiện ở từng bản làng, từng góc phố ẩn tàng giữa các triền cây dài bất tận. Mẹ thiên nhiên ấp ôm bảo bọc. Tôi chưa thấy người Bhutan nào đem cơm ra rắc ngoài ngàn cây để mời “mộc tinh” ăn trước khi bón cho chim chóc như ở Luang Prabang (Lào). Nhưng tôi tin, người Bhutan yêu cây, rừng, núi xanh, núi tuyết trắng và các tu viện cao vời thoắt ẩn thoắt hiện trong mây trắng kia hơn hết thảy.
Sonam Wangchen, một người đàn ông 50 tuổi đến từ miền Đông Bhutan đã đi bên tôi suốt 7 ngày ở Thimphu, bảo: “Thủ đô bây giờ cũng có nhiều nhà hai ba tầng, vì bà con từ nông thôn ra ngày càng đông. Trong khi đó, Chính phủ kiên quyết không cho “dọn hẹp” một khoảnh rừng nào để làm nhà. Họ giữ tỷ lệ che phủ của rừng nguyên sinh ở mức 70% là vì dân, vì nước. Chúng tôi rất ủng hộ. Vì được vay tiền miễn lãi suất trong 20 năm nên bà con mua ô tô cũng nhiều lên. Đường đôi khi cũng đông dần khi tan tầm. Đã có ít ngày người ta lắp đặt đèn tín hiệu giao thông ở thủ đô. Nhưng rồi thì ai cũng phản đối. Bởi có ai đi tranh đi lấn đường của ai đâu mà phải đèn đỏ, đèn xanh. Bhutan có tắc đường đâu mà phải học đòi thế giới như vậy”.
Ai cũng lái xe (ngồi bên trái) và đi rất chậm. Họ nhìn gương hậu thấy xe khác xi nhan là nép vào lề nhường lối. Không bao giờ còi, hình như cứu hỏa và cảnh sát ở Bhutan cũng không dùng còi ụ, còi hú hay còn bọp bọp bẹp bẹp kiểu “ta đây”. Suốt những ngày ở đó, tôi chưa bao giờ nghe tiếng cảnh sát hay cứu hỏa, cứu thương “hú” còi náo loạn như ở ta. Cả nước Bhutan có 700.000 người, rộng mênh mông dưới chân Everest, xe cộ ở nông thôn cực hiếm, ngay ở thủ đô cũng chỉ lác đác. Đến ngã tư ngã ba thì đi chậm lại, việc gì mà đèn đỏ đèn xanh cho mất thời gian.
Đi ở thủ đô Thimphu, đi thành phố có sân bay quốc tế Paro, hay cố đô Punakha, chả bao giờ thấy ùn tắc đường. Cứ thong dong, tối đến vứt xe rệ đường. Phố xá tuy có tiêu điều trong gió lạnh như phố huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, nhưng nó bình yên hơn rất nhiều. Vẻ như các cư dân ở đây luôn thấy tràn ngập hạnh phúc. Cả thế giới ngưỡng mộ gọi họ là miền đất chư thiên, xứ sở đáng sống nhất, hạnh phúc nhất thế giới.
Chiều về, trai tráng mặc váy Gho đi quanh các cung điện nâu trầm. Vai họ khoác cây cung gỗ cong tớn. Không biết người Bhutan có bắn tên bằng cỏ bồng để rồi có “nợ tang bồng vay trả trả vay” như người Trung Quốc hay người Việt Nam thuở trước không. Chỉ chắc chắn một điều rằng, thế giới này không ở đâu có nhiều người bắn cung như vậy. Ở Đài tưởng niệm quốc gia ngay thủ đô Thimphu hay trong các tu viện lừng danh thế giới ở Bhutan, chúng tôi đều thấy thờ vị thần đang ưỡn ngực giương cung bắn. Cung làm bằng cây cỏ, tên cũng cỏ cây và đặc biệt là sự lồng phồng thảo mộc phủ ngay cả lên bức tượng thờ ấy. Một cuộc sống hoang dã, kiểu vai đeo cung tay mềm mại bút hoa, hoặc trai tráng “da ngựa bọc thây”, bắn cung cưỡi ngựa chăng?
Có gì giống thế nhưng chả phải thế đâu. Vì người Bhutan không quan tâm đến chiến tranh. Cưỡi ngựa ở Bhutan rất rợn người. Chúng tôi leo lên Hang Hổ (Tiger’s Nest), tu viện linh thiêng và nổi tiếng nhất ở “quốc gia hạnh phúc”, hàng trăm con ngựa men theo vách đá đi ba bốn tiếng liền mới lên tới điểm thờ Phật trên đỉnh trời kia. Khe đá bé bằng bụng ngựa, tôi rùng mình nghĩ đến cảnh ngựa cố lách qua, hai đầu gối và bắp chân kỵ mã áp sát bụng ngựa sẽ bị vách đá xén mất các miếng thịt lớn. Chiến mã trườn đi lên đỉnh núi. Nhưng không, các nài ngựa và ngựa ở đây rất tài tình. Nó tính toán vượt thoát khỏi mỏm đá, bờ cây rất thiện nghệ. Hàng trăm con ngựa nối đuôi nhau hào hứng ngược các rông núi thấp thểnh dốc đứng. Người Bhutan thích cưỡi ngựa, chơi ngựa và bắn cung.
Chiều ấy Sonam rủ tôi đi bắn cung. Anh bảo, ngày nào cũng bắn, có thể bắn từ lúc bé thơ cho đến khi về trời không chán. Khu vực “sân vận động bắn cung” rất rộng, nhà cửa kiến trúc kiểu Bhutan, thoạt nhìn giống chùa chiền tu viện. Họ chia làm hai toán, đứng ở hai đầu, lần lượt từng người bắn và số còn lại thì hò reo không dứt với một sự hào hứng mà tôi không biết họ lấy được từ đâu về! Bia “đỡ” tên nhỏ xíu. Anh Sonam là giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành. Toàn bộ nhân viên nam mặc váy Gho theo sếp, đi bắn cung. Bắn từ trưa đến chiều. Vợ Sonam thừa nhận đã từng tay cầm dao, tay cầm thớt đi chặt hết kho cung tên của chồng. Vì anh ta không làm ăn gì, chỉ bắn cung.
Ăn mặc đơn giản, đông hay hè thì cũng chỉ một cái bộ Gho truyền thống “quần không đáy” của tổ tiên. Tuyết trắng trời, mà không hiểu sao bà con không thấy lạnh. Khác với nhiều quốc gia tôi từng đến, đồ truyền thống người ta chỉ mặc trong lễ lạt cúng bái hay phục vụ khách du lịch “chơi chơi” vậy thôi. Riêng người Bhutan 100% mặc quần áo truyền thống, ăn món truyền thống y xì phóc những gì từ thượng cổ.
Chúng tôi được Hà - Bhutan, cô dâu người Việt duy nhất ở Thimphu đưa đến ở homstay với người bản xứ. Sững sờ vì khả năng ăn ớt của người dưới chân Hy Mã Lạp Sơn. Như nhà thơ Xuân Diệu viết về Hymalaya “Ta là một là riêng là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta”. Trái đất không có núi nào cao bằng Everest. Nên dường như tuyết phủ bao la, truyền thống yêu thiên nhiên, sum vầy với động vật hoang dã trên núi quá cao đã khiến người Bhutan bị lạnh hơn trong đông rét. Vì thế mà họ phải ăn nhiều ớt cho ấm bụng, tìm thêm sức đề kháng. Mái nhà nào cũng phơi đỏ đọc toàn ớt. Bữa cơm nào cũng có cơm trắng và ớt xào bơ. Chợ nông sản thì đỏ lòm, xanh lèo toàn ớt, chất cao như núi. Bữa đến, họ chỉ ăn bát cơm và xúc vài thìa trong đĩa tây ớt xào bơ đầy ú hụ là xong. Nhâm nhi tí rượu truyền thống để trong cái hũ bịt bạc nữa chứ. Không “nát” rượu, nhưng người Bhutan mê uống. Họ có thể uống từ tinh mơ để... đón chào mặt trời lên, uống đến chiều để chia tay mặt trời và hào hứng với sự xuất hiện của các vì sao. Uống vì ly biệt, uống vì tái ngộ. Họ vui sống như tiên ông tiên bà trên cõi vân du. Có lẽ vì nhu cầu giản tiện quá thể như thế nên người Bhutan an phận thủ thường, chẳng có tham vọng gì, kể cả tham vọng được hòa nhập vào thiên nhiên hay viên mãn trong cảm giác mình đang hạnh phúc. Họ chẳng quan tâm thế giới thích thú với mình lắm, họ như sơn nữ kiều diễm nhưng không biết mình đẹp, như con nai vểnh tai nhìn nhân gian ngơ ngác mà không biết mình quá thơ ngây.
Nhưng, hình như nhà Vua và Thủ tướng Bhutan thì biết cái giá của vẻ đẹp hoang sơ nguyên sinh trên đất nước mình. Họ phát triển du lịch, khống chế lượng khách vào, hạn chế cấp visa, để bước chân du khách không làm tàn phai nhan sắc rừng thắm và núi tuyết cũng như vẻ đẹp hồn nhiên của người sống dưới chân Everest. Bất kể thế nào, tối thiểu mỗi ngày khách lưu trú trên đất nước Bhutan là phải nộp cho Chính phủ 250USD/người. Vì thế họ cấp cho người ta với số ngày lưu trú bằng đúng số ngày họ đã nộp tiền vào, chứ không có chuyện cấp vida một lần ba đến sáu tháng muốn ở bao nhiêu thì ở. Tiền ấy, họ đầu tư cho một cuộc sống hạnh phúc sum vầy để thần dân và du khách tận hưởng mãi mãi về sau. Tiền đắt đỏ ấy đã khiến khách “tạp” không thể đến và làm suy giảm vẻ đẹp của miền đất chư thiên.
Những con đường an toàn chênh vênh mép vực, ở đó người Bhutan nâng niu từng tấm biển hướng dẫn an toàn giao thông. Và họ chăm bẵm từng tán rừng, từng rặng liễu rát vàng trong nắng thu. Con suối nào của Bhutan cũng trong vắt, có khi chảy ra từ tuyết trắng, có khi cây cỏ vàng ươm tỏa bóng xuống mặt hồ như ảo mộng. Các lá cờ phướn xanh đỏ bay rì rào, hàng triệu lá cờ như những con mắt hấp háy của gió non cao. Gió dũng mãnh đưa những lời mật chú thiêng liêng ở các cờ phướn xanh đỏ kia bay cao, bay xa. Rêu xanh mướt, rêu vàng ruộm, nước trong vắt như ngả màu theo rêu. Những nếp nhà tỏa khói lam chiều liêu xiêu. Bên đường, lũ vượn má trắng ngó nghiêng ngơ ngác ngắm xe cộ. Bầy chim hoang dã đứng ườn ra đường khiến xe cộ phải dừng lại kiên nhẫn chờ đợi, mặc đàn gà rừng nhát gan sặc sỡ tớn cong bộ lông đuôi dài rồi lúc cúc rủ nhau trốn chạy. Tôi và Sonam gặp một đàn hươu, chẳng cần đèn đỏ đèn xanh, cứ nghễu nghện sang đường, vểnh đôi tai thơ ngộ ngắm đèn pha sáng quắc. Đèn máy ảnh lóa lên, lũ thú hoang như bị hớp hồn, cứ gương mắt bé nhìn lăm lăm.
Hóa ra hạnh phúc là sự sum vầy với thiên nhiên, hóa ra thiên đường trên hạ giới sẵn có từ thuở hình thành vỏ trái đất với rừng nguyên sinh, với hoang thú đẹp tưng bừng, với lũ Takin (con vật đầu dê mình bò được coi là linh vật quốc gia, là báu vật thiên nhiên chỉ có ở Bhutan) đủng đỉnh đi hoang trên sườn núi tuyết. Chỉ việc giữ gìn cái đã có, chỉ việc tử tế với phần còn lại của thế giới bằng cách mặc bộ váy Gho dõng dạc tuyên bố rồi thực hiện lời hứa: không phát thải khí nhà kính. Chỉ bằng ngần ấy sự giản dị nó còn dễ dàng hơn mọi sự giản dị, chỉ bằng chiều đến bắn cung, cả nước không có đèn đỏ đèn xanh, chỉ bằng việc hài lòng với bữa cơm trộn ớt xào bơ, người Bhutan đã làm thế giới phải ngưỡng mộ và kính trọng mình. Họ lập một kỷ lục về quốc gia hạnh phúc nhất địa cầu. Có lẽ họ cũng là đất nước duy nhất có Bộ Hạnh phúc, chuyên để lo cho thần dân có thể tiêu tốn kiếp phận của mình giữa nhân gian một cách hữu ích, bình yên, thanh thản và đáng ngẩng cao đầu.
Hóa ra, đôi khi chúng ta nắm trong tay cây đũa thần hạnh phúc, nhưng chúng ta đã buông nó ra, để rồi cả đời vật vã, lấm láp, nhục nhằn, chết đi sống lại mà tìm những cái giống như hạnh phúc. Để rồi thân tàn ma dại mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Để “sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”. Như các cụ ta thâm Nho nói: “Tri túc tâm thường lạc”, có khi đơn giản chỉ cần biết đủ đã là hạnh phúc lắm rồi. Có phải thế không, người Bhutan ở lưng chừng trời nóc nhà thế giới? Chẳng biết nữa.