Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc thành lập một tòa án hình sự quốc tế truy tố những người chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị Nga phủ quyết vào ngày hôm qua (29/7).
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư (29/7), bắt đầu bằng một phút mặc niệm, tưởng nhớ 298 người thiệt mạng trong thảm hoạ tháng 7/2014. 11 trong 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an biểu quyết tán thành dự thảo nghị quyết do Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đề xuất. Bên cạnh đó, Angola, Trung Quốc và Venezuela bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, Nga đã thực hiện quyền phủ quyết nghị quyết này của Hội đồng Bảo an.
11 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ dự thảo nghị quyết
Đây là quốc gia duy nhất trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết này. Điều này khiến các thành viên khác của LHQ tỏ ra không hài lòng. Phái viên Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Samantha Power gọi hành động này của Nga là một hành động “nhẫn tâm” trước sự đau buồn, mất mát của một quốc gia.
Còn Ngoại trưởng Australia, Julie Bishop lại gọi hành động này của Nga là “sự xúc phạm đối với 298 nạn nhân của MH17 và gia đình, bạn bè của họ"
Tuy vậy, phái viên Nga tại LHQ, Vitaly Churkin cho biết, Nga sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cuộc điều tra kỹ lưỡng, độc lập và khách quan về nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến thảm họa nhằm tìm ra thủ phạm thực sự. Ông cho biết, Moscow đã soạn thảo một nghị quyết thay thế và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế toàn diện. Đồng thời, sau phiên biểu quyết, ông đặt câu hỏi, “Căn cứ nào để đảm bảo tính công bằng của một cuộc điều tra như thế này?" và “Làm thế nào để toà án có thể chống lại nền tảng tuyên truyền hiếu chiến trong truyền thông?".
Ông cũng nhấn mạnh, những vấn đề này không nằm trong Điều lệ của Liên Hợp Quốc.
Nga là nước duy nhất thực hiện quyền phủ quyết dự thảo này
Việc này cũng được Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong tuyên bố vào ngày 29/7 rằng, việc thành lập cơ quan tư pháp xét xử vụ máy bay Boeing rơi ở Ukraina là một việc vô ích và phi lý. Ông Putin cũng khẳng định, sự nhất quán không thay đổi trong quan điểm về tính chất vô ích, không hợp lý của việc lập ra một tòa án như thế.
Ông cho biết, Hội đồng Bảo an đã thành lập các tòa án để điều tra tội ác chiến tranh. Tuy nhiên chưa từng có tòa án nào được thành lập để đề điều tra về những vụ máy bay bị bắn rơi trước đó. Đồng thời, ông đưa ra dẫn chứng về vụ chuyến bay 655 của hãng hàng không Iran Air bị Mỹ bắn rơi vào năm 1988, hay như vụ máy bay của hãng Korea Airlines bị Liên Xô bắn rơi vào năm 1983. Vì thế, ông cho rằng, một tòa án đặc biệt cho MH17 cho thấy, có động cơ chính trị.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Malaysia, Liow Tiong Lai đã kêu gọi các thành viên trong Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết thành lập một tòa án hình sự quốc tế để "thực thi công lý cho những gia đình nạn nhân" một cách tốt nhất. Ông nói, "Tất cả những người đi máy bay sẽ chịu nhiều rủi ro hơn nếu những kẻ gây ra tội ác không bị quy trách nhiệm".
Trước đó trong ngày, Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte đã đưa ra lời kêu gọi "khẩn thiết" tới Tổng thống Nga Vladimir Putin không phủ quyết nghị quyết.
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại miền đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát, trong lúc chiến sự ác liệt diễn ra giữa lực lượng vũ trang của Kiev và phe ly khai thân Nga vào ngày 17/7/2014, khi đang bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur. Toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn, chủ yếu là người Hà Lan trên máy bay đều thiệt mạng.
Một cuộc điều tra từ phía Hà Lan cho thấy, chiếc máy bay bị bắn từ phía ngoài. Tuy nhiên, cho tới nay, thủ phạm thực sự vẫn chưa được xác định. Ủy ban An toàn hàng không Hà Lan dự kiến, sẽ đưa ra báo cáo cuối cùng về nguyên nhân vụ việc vào tháng 10 tới.