Mạng Internet cũng như cuộc đời, có mặt tốt và mặt xấu. Do đó, không thể cấm con tiếp xúc với thế giới rộng lớn như kiểu cấm đi ra đường vì giao thông nhiều hiểm họa.
“Mạng Internet cũng như cuộc đời, có mặt tốt và mặt xấu. Do đó, không thể cấm con tiếp xúc với thế giới rộng lớn như kiểu cấm đi ra đường vì giao thông nhiều hiểm họa. Vấn đề với lứa tuổi nào, cần giúp trẻ có cách tiếp cận để con hiểu những cái xấu trên internet”.
Đó là chia sẻ của bà Phan Hồ Điệp - Giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm Hà Nội), mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam nhân sự kiện ra mắt ứng dụng kho truyện trực tuyến Vmonkey - Kho truyện tiếng Việt tương tác giúp trẻ phát triển ngôn ngữ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bản hợp đồng sử dụng Internet với con
Theo bà Điệp, mạng Internet cũng như cuộc đời của mỗi con người, cũng có phần tốt và phần xấu, nhưng không vì những phần xấu mà cha mẹ cấm đoán con sử dụng hay quản lý quá khắt khe.
"Phụ huynh không thể vì những điều không được tốt đẹp để cấm con tiếp xúc với một thế giới thông tin rộng lớn. Điều đó cũng giống như việc bạn cấm con không được ra đường vì ngoài đường có nhiều hiểm họa", bà Điệp nói và cho rằng thay vì cấm cản, bố mẹ nên dạy con cách vượt qua những thách thức.
Đỗ Nhật Nam rất giỏi tiếng Anh và mẹ của cậu cho biết đều là nhờ học ở trên mạng. “Tôi biết ơn thế giới mạng vì đã cho con những người thầy tốt”, bà Điệp nói.
Thay vì cấm cản con xem internet, bố mẹ nên dạy con cách vượt qua những thách thức
Tuy nhiên, việc học trên mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro, khi cha mẹ khó kiểm soát thông tin xấu. Bà Phan Hồ Điệp đã chia sẻ cách mà mình sử dụng để định hướng con dùng Internet là bố mẹ đã ký một bản hợp đồng với con. Việc này được cả gia đình bàn thảo khi Nam lên 5 tuổi rưỡi.
Trong đó, có các điều khoản như bố mẹ được quyền biết lịch sử truy cập của con, được quản lý về mặt thời gian. Nếu con vi phạm các điều khoản này sẽ phải chịu hình phạt là không được dùng Internet trong một khoảng thời gian nhất định.
“Mỗi ngày, trước khi bước vào giờ học buổi tối, Nam sẽ được tự do sử dụng bất cứ thiết bị gì trong nhà có thể kết nối Internet để vào mạng. Thời gian là 20 phút. Nam có thể xem bất cứ cái gì mà bạn ấy muốn. Đổi lại là sau 20 phút ấy, Nam phải kể lại cho mẹ nghe về một tin tức mà cậu đọc được trên mạng, hay một món ăn, công thức nấu ăn nào đó. Nếu Nam không nói được, hoặc sử dụng quá thời gian quy định, hình phạt là không được sử dụng Internet trong hôm sau”, bà Điệp tiết lộ.
Cha mẹ đang “bỏ rơi” con trên Youtube
Với tư cách là một người làm giáo dục, bà Phan Hồ Điệp chia sẻ, thực tế đã bắt gặp rất nhiều hiện tượng bố mẹ đang "bỏ rơi” con với Youtube.
“Chẳng hạn tôi gặp nhiều hiện tượng, bố mẹ ngồi cùng con nhưng hai người dùng hai chiếc điện thoại, còn con một cái máy hoặc thiết bị điện tử khác để bố mẹ “rảnh tay”. Nhiều gia đình đưa thiết bị điện tử hoặc xem Internet trở thành phần thưởng cho con, dùng thiết bị điện tử để “dụ dỗ” con ăn nhanh…
Các hiện tượng trên, mặc dù có bố mẹ ngồi bên cạnh nhưng tôi cho rằng vẫn bỏ rơi con vì phụ huynh không kiểm soát được những gì con đang xem, không quản lý được về mặt thời gian và cũng không chỉ dẫn rõ ràng cho con trong quá trình sử dụng mạng. Điều đó khiến trẻ bị hoang mang hoặc bị dẫn dụ vào những nội dung không tốt”, bà Điệp cho biết.
Trẻ nghe, tìm hiểu tiếng Việt thông qua ứng dụng Vmonkey
Bà Điệp cũng chia sẻ, khi Nam còn nhỏ, mẹ thường xuyên dành thời gian để đọc sách cho con mỗi tối, thay vì để "thả" con với những thiết bị điện tử.
Tái hiện lại “Những buổi tối thần tiên” - cách cậu bé Đỗ Nhật Nam hay gọi là những ngày trước giờ đi ngủ, cậu luôn được gối đầu lên người mẹ, nghe mẹ đọc các câu chuyện. Việc này diễn ra hằng ngày, từ lúc cậu còn nhỏ, đến khi lên lớp 7, rời vòng tay mẹ để sang Mỹ du học…
Phụ huynh này cũng truyền đi thông điệp cha mẹ hãy mang đến cho con những câu chuyện ngọt ngào, đừng bỏ mặc con tự do với thế giới Internet nhiều thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con.