Màu hoa đỏ" của cố nhạc sỹ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu là nhạc phẩm đã đi cùng năm tháng của nhiều thế hệ nghệ sỹ về đề tài người lính.
Nhạc phẩm Màu hoa đỏ được nhạc sĩ Thuận Yến viết nhạc trên nền bài thơ "Màu hoa đỏ" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu vào năm 1991. Ca khúc này được nhiều nghệ sỹ của nhiều thế hệ thể hiện thành công như Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương... trong số đó, ca sĩ Thanh Lam - con gái nhạc sĩ Thuận Yến được coi là người thể hiện thành công nhất.
"Màu hoa đỏ" nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
“Màu hoa đỏ" đã từng đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; được Bộ Quốc phòng trao giải ca khúc xuất sắc nhất và được biểu diễn trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Năm 1991, ca sĩ Thanh Lam đã có bản thu âm đầu tiên cho ca khúc Màu hoa đỏ này. Và từ đó đến nay, đây vẫn được coi là bản thu âm hoàn hảo nhất.
Trước đó, trong chương trình "Giai điệu tự hào" năm 2015, Thanh Lam cũng đã hát và chia sẻ hậu trường ca khúc "Màu hoa đỏ". Đặc biệt là nỗi xúc động, nghĩ về người lính mỗi khi nhạc sĩ Thuận Yến nghe lại ca khúc này. Hơn nữa, đây là ca khúc nhắc nhớ cô về người ba của mình. Thanh Lam từng kể về kỷ niệm lúc ba dẫn chị vào Đài Tiếng nói Việt Nam để thu âm ca khúc này. Trước khi hai ba con cùng đi, ông đã cắt nghĩa từng câu chữ và hát mộc cho chị nghe. Thanh Lam thừa nhận rằng, ba mình đã hát ca khúc này ngọt và tình hơn mình. Chất giọng của ông có âm sắc của hát bài chòi xứ Quảng quê hương ông.
Thanh Lam và cố nhạc sỹ Thuận Yến
“Khi nghe ông hát và nghe ông cắt nghĩa về câu chữ cũng như chủ ý của ông trong bài hát tôi đã rất xúc động. Tôi cảm nhận ra được cái không gian mênh mông mà rất đỗi linh thiêng trong bài hát này. Hình ảnh người lính nghèo rời quê vào chiến trường, người mẹ già tóc bạc đứng dưới bóng chiều chờ con… làm tôi không thể kìm được nước mắt. Sự hy sinh của người lính đã cao cả rồi, sự hy sinh của người mẹ còn cao cả hơn. Sau khi thu âm bài hát về tôi có chút ám ảnh. Cứ mỗi chiều hoàng hôn tôi lại nhìn xa xa về phía chân trời rồi lòng lại chùng xuống, từng câu hát của bài “Màu hoa đỏ” cứ thế cất lên trong tâm khảm và nước mắt trào ra…”- Thanh Lam kể.
Cũng là ca sỹ thể hiện thành công ca khúc Màu hoa đỏ, Tùng Dương cho biết khá bất ngờ khi biết thông tin Sở VHTTDL Tiền Giang tạm dừng lưu hành ca khúc này. nam ca sỹ cho rằng “Màu hoa đỏ” là ca khúc bất hủ, là một trong những ca khúc hay nhất về đề tài người lính.
Còn ca sỹ Trọng Tấn thì ca khúc này gắn bó với anh ở rất nhiều sự kiện và hầu hết là các sự kiện lớn mang tính chính trị, lịch sử. “Ca khúc là một bản hùng ca khát quát về sự chiến đấu anh dũng, về lòng yêu nước, dũng cảm của những người con Việt Nam. Vì vậy tôi nghĩ không lý do gì để tạm dừng lưu hành ca khúc đó. Nếu chúng ta tạm dừng lưu hành thì không khác gì chúng ta đi ngược lại lịch sử, đánh mất giá trị, tinh thần cả về văn hóa và âm nhạc”- Trọng Tấn cho biết.
Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, “cha đẻ” của bài thơ "Màu hoa đỏ" do cố nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc chia sẻ, từ tối hôm qua đến giờ ông nhận được khá nhiều điện thoại của giới văn nghệ sĩ, đồng đội và bạn bè về chuyện này. Ông cũng khá hoang mang khi hay biết thông tin ca khúc “Màu hoa đỏ” do nhạc sỹ Thuận Yến phổ thơ bài thơ “Màu hoa đỏ” của ông bị cấm lưu hành và phổ biến ở Tiền Giang.
Nghệ sĩ Hồ Thanh Hương hết sức bất ngờ khi nghe tin ca khúc "Màu hoa đỏ" của chồng bà - cố nhạc sỹ Thuận Yến bị cấm lưu hành và phổ biến ở Tiền Giang. Chia sẻ trên báo chí, bà cho biết: "Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người lính, người cựu thanh niên xung phong hoặc những người thương binh mỗi khi có dịp lại mở Karaoke để hát bài “Màu hoa đỏ” như nhắc nhớ về một thời rực lửa, một thời oai hùng. Vậy mà bây giờ, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cấm lưu hành là không biết vì lý do gì? Nếu nói những hình ảnh minh hoạ không phù hợp thì phải bắt chính sửa lại chứ sao lại ra văn bản cấm lưu hành bài hát. Bài hát nào có gây đau thương hay tổn thất cho ai đâu? Làm như vậy khác nào đưa một ca khúc cách mạng xa rời quần chúng nhân dân? Tôi nghĩ, Sở VHTT&DL cần nên xem xét lại việc này. Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng cần xem xét và có ý kiến để sự việc này sớm được sáng rõ. Trả lại cho nhân dân, cho đời sống mà bấy lâu ca khúc đang “sống”.
Trước đó, trong công văn số 120/SVHTTDL-Tr của Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang ban hành ngày 7/2/2017 có nội dung đề nghị phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành và phổ biến theo quy định của pháp luật, trong đó có “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Đức Đảm - Giám đốc Sở VHTT&DL Tiền Giang cho biết nguyên nhân của việc cấm lưu hành và phổ biến “Màu hoa đỏ” là bởi ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung.
Màu hoa đỏ do Thanh Lam hát ở chương trình Giai điệu tự hào 2015