Chính trị

Mạnh tay xử lý tình trạng “sở hữu chéo", thao túng hoạt động ngân hàng

Mai Thoa 10/06/2023 - 20:29

Chiều 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có 99 lượt ý kiến phát biểu. Cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu. Tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định hệ thống của các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó là tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, xử lý tình huống người gửi tiền, rút tiền hàng loạt đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật.

Không nên thu hẹp room tín dụng

Phát biểu thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh đến một số nội dung như khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu. Tăng cường phòng ngừa rủi ro, trong hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Đại biểu Trần Chí Cường - TP Đà Nẵng thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để hoàn thiện pháp luật, đáp ứng sự vận hành của xã hội, đảm bảo cho hoạt động của các tổ chức tín dụng phát triển an toàn, bền vững.

100620230243-cuong.jpg
Đại biểu Trần Chí Cường - TP Đà Nẵng phát biểu thảo luận.

Về giới hạn cấp tín dụng để hạn chế tình trạng rủi ro từ tập trung tín dụng, dự thảo Luật quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng, giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng so với luật hiện hành của một khách hàng và người có liên quan.

Theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng, từ không được vượt quá 15%, 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của Ngân hàng thương mại, Ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25%, đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Đại biểu cho rằng, bên cạnh việc thu hẹp khá lớn về room tín dụng được cấp cho khách hàng như trên, dự thảo luật còn mở rộng định nghĩa phạm vi, đối tượng về người có liên quan, đó là công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng, mở rộng người có liên quan hệ huyết thống. Điều này dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ thấp hơn trước rất nhiều. Ngân hàng có thể cũng sẽ bị thu hẹp lượng khách hàng và khách hàng cũng sẽ bị thu hẹp về nguồn vốn được tiếp cận.

Như vậy, có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng. Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn và tức thời, đó là nguồn cung vốn cung ứng cho nền kinh tế bị hạn chế hơn, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.

Đại biểu cho rằng việc giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng cần có sự đánh giá thật kỹ các tác động hiện nay, cần phân tích và đánh giá rõ hơn về thực trạng vay vốn và rủi ro trong thực tại để có giải pháp phù hợp, căn cơ nhất.

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần, để hạn chế vấn đề thao túng hoạt động ngân hàng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. So với luật hiện hành, Dự thảo luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân,  tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, trong trường hợp này thực tế có thể phát sinh việc thuê, nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong thực tiễn? Đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá, làm rõ nguyên nhân sở hữu chéo xuất phát từ quy định của pháp luật hay do trong tổ chức thực thi để quy định cho phù hợp.

Mặt khác, trong trường hợp như quy định này cũng cần có sự đánh giá đối với các cổ đông đang hiện hữu có số vốn cao hơn quy định mới sẽ được giải quyết như thế nào, có thực hiện thoái vốn hoặc quy định không áp dụng hồi tố để bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết.

Cần quy định ngăn sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai nhận định, lĩnh vực tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng vì liên quan đến ngân hàng; trong nền kinh tế - xã hội tất cả các lĩnh vực đều liên quan tới ngân hàng, tín dụng, vì vậy việc sửa đổi luật là rất cần thiết.

100620230258-z4420484242357_b22ec202dde9ddd240ee5f35570cad98-1-.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đồng Nai phát biểu thảo luận.

Một trong những chính sách quan trọng của dự thảo luật sửa đổi là bảo đảm phòng ngừa rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay các quy định về phòng ngừa rủi ro đã được quy định rất cụ thể ở Luật Tổ chức tín dụng, và Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các quy định cụ thể tại các Thông tư.

Dẫn sự cố Ngân hàng SCB vừa qua, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung phòng tránh rủi ro cho hệ thống. Theo đó, phải thiết kế thêm phần đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống để khi xảy ra sự cố, sự việc xảy ra có thể chống đỡ được ngay. Đó là những quy định mang tính chất để bảo đảm rủi ro cho hệ thống ở trong Luật Tổ chức tín dụng lần này.

Nội dung nữa được đại biểu đề cập đến là quy định về xử lý vấn đề sở hữu chéo trong Luật Tổ chức tín dụng. Theo đại biểu, để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, Luật Tổ chức tín dụng, cần những chủ trương, chính sách đủ mạnh mới có thể xử lý được vấn đề này hiện nay.

Theo đại biểu, hiện nay, dự thảo luật mới chú trọng vào việc giảm tỷ lệ cổ phần và giảm phần cấp hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, những giải pháp này mang tính chất thụ động, trong khi việc chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch và việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân dính dáng vào tình trạng này. "Nếu làm tốt điều đó và khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai, minh bạch trong tất cả các giao dịch, thì không nhất thiết phải giảm tỷ lệ cổ phần, giảm room cấp vốn", đại biểu nhắc lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay xử lý tình trạng “sở hữu chéo", thao túng hoạt động ngân hàng