Ngày 23/7, Gapo - mạng xã hội "made in Việt Nam" dành cho giới trẻ đã chính thức ra mắt, đồng thời nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Captital.
Công ty Cổ phần công nghệ Gapo (Gapo Technology JSC) vừa cho ra mắt mạng xã hội Gapo - một sân chơi hoàn toàn mới dành cho giới trẻ.
Tại buổi họp báo ra mắt Gapo, công ty cũng chính thức nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital. Khoản đầu tư đầu tiên này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn 1 của dự án, mục tiêu đạt 50 triệu người dùng sau 2 năm ra mắt.
Bên cạnh đó, Gapo cũng công bố ký kết hợp tác chiến lược với Sony Music Entertainment Việt Nam. Theo thỏa thuận hợp tác, mạng xã hội này sẽ được sử dụng sản phẩm âm nhạc trong các dự án sắp tới của nghệ sĩ Việt Nam do Sony Music Entertainment Việt Nam sở hữu thông qua các nhà sáng tạo nội dung, trên cả 2 nền tảng web và app.
Gapo nhận 500 tỷ đầu tư từ G-Captital và đưa ra mục tiêu có 50 triệu người dùng đến cuối năm 2021
Theo ông Hà Trung Kiên - Tổng Giám đốc, Đồng sáng lập mạng xã hội Gapo, điểm đặc biệt của Gapo là tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Mọi người - đặc biệt là giới trẻ - có rất nhiều tùy chọn khác nhau để trang trí ngôi nhà của mình trên Gapo.
Giao diện trang cá nhân sẽ được tự thiết kế theo phong cách riêng với những hình nền, màu sắc tùy biến, người dùng có thể thỏa sức sáng tạo không giới hạn để thể hiện thẩm mỹ và bản sắc riêng. Trong giai đoạn sau, người dùng còn được sử dụng thêm video, âm nhạc hoặc thậm chí là các dạng hình ảnh tương tác khác trong trang cá nhân.
Mạng xã hội Gapo cũng có các chức năng cơ bản như các mạng xã hội khác, cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Người dùng Gapo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc.
Gapo cũng có tính năng lọc từ khóa tự động, có team kiểm duyệt, lọc tin xấu dựa trên report người dùng. Trong tương lai, mạng xã hội này sẽ dùng AI và machine learning để tự động kiểm duyệt cả văn bản, video và hình ảnh.
Cũng theo người đồng sáng lập Gapo, mạng xã hội này cho phép người dùng định danh tài khoản để bảo vệ và đảm bảo quyền lợi trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Sau khi đăng ký định danh tài khoản trên Gapo, người dùng không phải lo lắng về việc bị mất tài khoản hoặc người khác lấy tài khoản của bạn đi lừa đảo người thân.
“Bạn không cần sợ hãi khi có người khác tạo tài khoản mạo danh hoặc sử dụng những hình ảnh, thông tin của bạn một cách trái phép. Thêm vào đó, hệ thống chăm sóc khách hàng sẽ hỗ trợ phục vụ tốt hơn, không chỉ đối với các cá nhân mà còn cả doanh nghiệp, KOLs, nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng có lượng người hâm mộ đông đảo”, ông Kiên nhấn mạnh.
Giao diện Gapo trên phiên bản web
Tuy nhiên, theo quan sát, nếu Facebook lấy tông màu xanh nước biển để làm màu chủ đạo thì Gapo lại sử dụng gam màu xanh lá cây, có khác biệt đôi chút. Xem kỹ giao diện thì Gapo vẫn được thiết kế bố cục, tính năng… khá giống với mạng xã hội số 1 trên thế giới Facebook và chưa có sự khác biệt gì lớn.
Nhiều người dùng đã gặp một số khó khăn ban đầu khi đăng nhập vào trang xã hội “made in Viet Nam” này. Trong buổi ra mắt vào sáng ngày 23/7, việc truy cập vào website Gapo.vn có dấu hiệu bị chập chờn, nhưng vẫn có thể tạo được tài khoản và đăng nhập thành công. Song đến trưa cùng ngày, website này đã chuyển sang chế độ giới thiệu ứng dụng Gapo trên kho ứng dụng của 2 hệ điều hành iOS và Android, không còn hỗ trợ phiên bản trên web.
Trước Gapo cũng có khá nhiều mạng xã hội của Việt Nam đã ra đời như: Biztime, VietnamTa, Hahalolo. Tuy nhiên, những mạng xã hội này chưa nhận được sự ủng hộ của người dùng Việt vì vẫn đang sao chép nguyên bản Facebook cũng như vẫn đang còn tải chậm vào giao diện chưa được thân thiện với người dùng. Liệu mạng xã hội Gapo có đi vào vết xe đổ này hay không?