Cuối cùng, núi tiền Man City bỏ ra đã thu lại được thành quả với chức vô địch Premier League sau 44 năm dòng chờ đợi.
Trong hoàn cảnh bóng đá hiện đại, không ngoa khi nói rằng có tiền là có thành công. Chẳng phải Chelsea, Real đều đã phải chi ra rất nhiều tiền để có được một đội hình giàu sức chiến đấu như hiện tại. Ngay cả Barca, đội bóng vốn nổi tiếng trong công tác tác đào tạo tài năng trẻ hàng năm vẫn phải bỏ ra không ít để có được những nhân tố mới. Man City chẳng có truyền thống hào hùng, đào tạo trẻ cũng dở thì việc họ ném tiền vào chuyển nhượng là điều dễ hiểu và cũng là hợp quy luật. Trong cuộc sống hàng ngày cái gì ta không có ta có thể mua, bóng đá cũng vậy, nhưng để mua được như Man City đúng là hiếm kẻ làm được.
Man City đã trở thành tân vương của Premier League
Theo thống kê, trong vòng 4 năm từ khi những ông chủ Ả Rập tới Etihad, đội bóng áo xanh đã bỏ ra tới hơn 1 tỉ bảng để mua sắm cầu thủ, một con số quá khủng khiếp. Rất nhiều ngôi sao đẳng cấp đã tới và làm cho Man xanh thay da đổi thịt từng ngày và giờ đã đến lúc những đồng tiền “đơm hoa, kết trái”. Với một đội hình giàu chiều sâu, Man xanh đã có được chức vô địch lần thứ 3 trong lịch sử và cũng là chức vô địch đầu tiên sau 44 năm chờ đợi mòn mỏi. Chức vô địch ấy không tới dễ dàng như cách Man City tiêu tiền và chính điều này càng khiến người ta thấy trân trọng những gì mà thầy trò Mancini làm được.
Một mùa giải điên rồ và suýt có một cái kết điên rồ nếu như Man City để tuột mất chức vô địch. Nói là điên rồ bởi The Citizens chứ không phải ai khác là người xứng đáng nhất cho ngôi vương Premier League. Đội chủ sân Etihad luôn trình diễn một lối chơi đẹp mắt, khoa học và cũng rất hiệu quả trong suốt cả mùa giải. Đã có những lúc vấp ngã nhưng quan trọng hơn sau mỗi lần vấp ngã, đội bóng áo xanh lại đứng dậy mạnh mẽ hơn, khát khao hơn. Đó chính là thứ tiền không mang lại được và nó chỉ được bồi đắp bằng ý chí cũng như tinh thần cầu thị của cả một tập thể vững mạnh.
Thế nhưng, cái mà người ta nhìn thấy ở Man City ngày hôm nay đâu phải tự dưng mà có, đó là cả một quá trình. Man City đi lên từng bước, từng bước một cách đầy chắc chắn. Còn nhớ năm đầu tiên của Mancini ở Etihad (2008-2009), đội bóng này chỉ có được vị trí thứ 10. Những mùa giải tiếp theo là vị trí thứ 5 rồi thứ 3 và cuối cùng kết thúc bằng ngôi vô địch mùa giải 2011-2012.
Nhìn cách Man City chơi bóng không phải là cách chơi của một “ngựa ô”, không phải là cách chơi của một hiện tượng mà là cách chơi của một đại gia thực thụ. Tottenham hay Newcastle đều đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nhưng họ đều đã hụt hơi ở giai đoạn cuối còn Man xanh thì không. Những sự trưởng thành vượt bậc cả về kỹ, chiến thuật lẫn bản lĩnh thi đấu là điều ai cũng có thể nhận thấy nơi các học trò của Mancini. Đây cũng chính là thứ mà tiền không thể tạo ra được. Như vậy, rõ ràng đồng tiền ở Man City đã được sử dụng một cách hết sức hiệu quả.
Tiền thưởng cho đội vô địch Premier League chắc chắn không thấm tháp gì so với số tiền mà những ông chủ Ả Rập ném vào Man xanh nhưng với những nhà tài phiệt dầu mỏ thì tiền đâu thành vấn đề. Quan trọng nhất là họ đã xây dựng được một đế chế xanh vững chắc tại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Tiền chắc chắn sẽ còn được chi để giúp Man City làm được một điều gì đó ở đấu trường châu lục và nếu thành công, sẽ không ai còn dám nói đoàn quân của Mancini chỉ là một đội bóng ồn ào.
Man City có tiền Man City cứ tiêu, đó là điều tất yếu. Còn những kẻ suốt ngày chỉ vin vào cái gọi là đẳng cấp để phê phán sự giàu có của Man xanh mới là đáng nực cười. Khi mùa giải vẫn còn chưa kết thúc, Sir Alex đã rục rịch đi tìm kiếm những tân binh chất lượng để bổ sung cho đội hình thiếu chiều sâu của mình và thử hỏi nếu không dùng đến tiền và thậm chí là nhiều tiền, vị HLV đáng kính kia sẽ làm cách nào để có người.
Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ cho tầm quan trọng của vấn đề tài chính trong bóng đá hiện đại và còn rất rất nhiều những ví dụ khác nữa. Riêng với Man City, giờ là lúc họ tận hưởng những "trái ngọt" đầu tiên từ đồng tiền và chắc chắn trong tương lai Etihad sẽ còn "xum xuê cây trái".
Hữu Hiệp