Nếu năm 2015 cả nước có 86 triệu thẻ ngân hàng thì đến quý 1/2016, con số này đã tăng lên 101,94 triệu thẻ, phản ánh những chuyển mình trong định hướng tiến tới “xã hội không dùng tiền mặt” được Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề ra.
Có thể nói, sự phát triển này là tất yếu trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá. Tuy nhiên, cũng chính sự phát triển quá nhanh này khiến nhiều người mới làm quen với các loại thẻ ngân hàng sẽ rất bối rối khi phân biệt, lựa chọn và sử dụng thẻ.
Hiểu và chọn đúng thẻ ngân hàng theo nhu cầu
Lý do có nhiều tên gọi cho các loại thẻ là bởi thẻ được phân loại dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, như: Dựa trên nguồn tài chính đảm bảo cho việc sử dụng thẻ (thẻ trả trước, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng); hạn mức (thẻ chuẩn, thẻ cao cấp – vàng, bạch kim,…); lãnh thổ sử dụng (thẻ nội địa, thẻ quốc tế); chủ thể phát hành thẻ (thẻ được ngân hàng phát hành, thẻ do tổ chức phi ngân hàng phát hành); tính chất kỹ thuật (thẻ từ, thẻ chip).
Theo ông Hồ Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc của Viet Capital Bank, cách phân loại dễ nắm bắt nhất là qua nguồn tài chính, có thể chia làm 3 loại:
• Thẻ tín dụng (credit card):
Thẻ tín dụng hay còn gọi là thẻ “dùng trước – trả sau” cho phép chủ thẻ mượn một số tiền của ngân hàng sử dụng trước rồi trả lại sau. Số tiền mượn trước này được ngân hàng xác định dựa trên thu nhập hằng tháng của chủ thẻ và gọi là hạn mức thẻ. Chủ thẻ có thể sử dụng hạn mức này để chi tiêu trong thời gian khoản thời gian nhất định (thường khoảng từ 30 - 45 ngày) mà không bị tính lãi. Sau khoảng thời gian miễn lãi này, nếu khách hàng chưa thanh toán hết khoản tiền đã tiêu, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất với khoản tiền đó. Đổi lại, các ngân hàng sẽ thu phí cho việc phát hành, phí thường niên, phí chuyển đổi ngoại tệ, phí rút tiền mặt …
Chị Ngô Vi, 32 tuổi, ngụ tại quận 3, cho biết “Trước đây tôi ngại dùng thẻ tín dụng do lo sợ thanh toán trễ và bị ngân hàng tính lãi. Tuy nhiên, tôi quyết định đăng ký dùng thử vì đơn giản nghĩ rằng đây sẽ là cơ hội để mình tập thói quen lên kế hoạch tài chính cho bản thân. Thực tế tôi chưa bao giờ bị tính lãi do hạn thanh toán cách khá xa so với ngày vào lương.” Chị Vi cũng cho rằng dùng thẻ tín dụng giúp chị dùng tiền linh hoạt hơn: “Chi phí hàng tháng cũng được tiết kiệm kha khá vì thẻ của tôi được hưởng ưu đãi giảm giá tại nhiều nơi, các ưu đãi hoàn tiền của ngân hàng phát hành… ”
Do tính chất “dùng trước trả sau”, người dùng phải chứng minh là một người có uy tín với thu nhập ổn định. Mỗi ngân hàng sẽ có điều kiện mở thẻ khác nhau nhưng nhìn chung tương đối khó và đòi hỏi nhiều giấy tờ hơn các loại thẻ khác. Tuy nhiên, theo xu thế thị trường, nhiều ngân hàng cũng không quá khắt khe và tạo điều kiện để người dùng tiếp cận thẻ tín dụng dễ dàng hơn. Chẳng hạn, với mức thu nhập chỉ từ 5 triệu, người dùng đã có thể mở thẻ tín dụng tại Viet Capital Bank bằng cách đăng ký trực tiếp trên website mà không cần đến ra ngân hàng. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên và duy nhất mạnh tay miễn phí mở thẻ, miễn phí duy trì suốt thời gian hiệu lực thẻ và cung cấp biểu phí dịch vụ minh bạch và đơn giản.
• Thẻ ghi nợ (debit):
Nhờ thủ tục đăng ký đơn giản, không cần phải chứng minh tài chính nên thẻ ghi nợ được sử dụng phổ biến tại thị trường Việt Nam. Thẻ ghi nợ là loại thẻ cho phép khách hàng sử dụng số dư tiền gửi của mình ở ngân hàng để giao dịch. Do vậy, thẻ ghi nợ sẽ được kết nối với tài khoản của chủ thẻ tại ngân hàng và khách hàng sẽ được tiêu tiền dựa trên số dư tiền gửi đó.
Ngoài ra, do tiêu tiền của mình, người dùng không phải chịu lãi suất khi giao dịch với thẻ ghi nợ. Và người dùng sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn với số tiền mà họ có trong tài khoản ghi nợ.
Khác với thẻ trả trước có thể sử dụng cho đến khi số dư bằng 0, khi sử dụng thẻ ghi nợ, bạn cần có một số dư tối thiểu trong thẻ. Chủ thẻ không được dùng quá số dư khả dụng trong tài khoản.Cũng chính vì thế, thẻ ghi nợ không thể trở thành “cứu cánh” của bạn trong những trường hợp cấp thiết buộc phải sử dụng một khoản tiền nhất định vượt số tiền khả dụng trong tài khoản.
• Thẻ trả trước (pre-paid):
Thẻ trả trước là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch trong phạm vi số tiền có trong thẻ, đã được người dùng thanh toán trước cho tổ chức phát hành thẻ. Tuy nhiên, thẻ trả trước không liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng như thẻ ghi nợ.
Tương tự như các hoạt động giao dịch khi dùng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, người dùng có thể thực hiện thanh toán không cần tiền mặt. Khi thực hiện thanh toán với thẻ trả trước, số tiền thanh toán sẽ được trừ dần vào số dư có trong thẻ. Khi số dư bằng không, người dùng có thể vứt bỏ hoặc nạp lại tiền vào thẻ để sử dụng tiếp.
Tuy không liên kết và hưởng nhiều tiện ích từ tài khoản ngân hàng như thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, thẻ trả trước cũng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như phương thức an toàn hơn thay thế cho việc cầm quá nhiều tiền mặt. Chẳng hạn một vài mục đích phổ biến là sử dụng làm thẻ trả lương, thẻ quà tặng để gửi cho người thân, thẻ để đi du lịch, hay thậm chí là thẻ cho con dùng.
“Từ lúc cháu 16 tuổi, thay vì để cháu cầm quá nhiều tiền mặt, tôi đã tập cho cháu sử dụng thẻ trả Pre-paid để làm quen và có trách nhiệm hơn trong việc quản lý tài chính bản thân. Tôi tập cho cháu bằng cách, ngoài tiền ăn uống để đi học, mỗi tháng chuyển vào thẻ của cháu khoảng 100.000 làm khoản tiết kiệm để mua sắm, hoặc 200.000 đồng vào dịp đặc biệt. Mặt khác, tôi hoàn toàn yên tâm vì có thể kiểm soát được chi tiêu của cháu.” – anh Bảo Ân, 42 tuổi, làm việc tại Quận 7 chia sẻ cách huấn luyện quản lý tài chính cho con với thẻ trả trước.
Nhưng nhược điểm của hình thức này là do không liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng nên mỗi lần hết số dư, người dùng phải chuyển tiền vào thẻ để sử dụng.
Với những hỗ trợ từ các Ngân hàng và những kiến thức trên, tùy theo nhu cầu khác nhau, người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn lựa loại thẻ phù hợp nhất cho bản thân mình.