Ly kỳ hành trình nhận lại 5 triệu yen của chị ve chai

Quang Minh| 03/06/2015 08:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để nhận lại số tiền 5 triệu yen, chị Hồng đã trải qua nhiều sự việc, cung bậc cảm xúc khác nhau, vui rồi buồn, buồn rồi lại vui…, khiến người phụ nữ quê miền Trung này nhiều lần muốn bỏ cuộc.

Chiều ngày 2/6, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (sinh năm 1979, quê Quảng Ngãi) đã nhận lại số tiền 5 triệu yen Nhật trong chiếc loa bí ẩn có được từ một lần mua đồng nát. Tuy nhiên, để nhận được lại số tiền này chị Hồng đã phải trải qua một thời gian dài đầy “chông gai”.

Ly kỳ hành trình nhận lại 5 triệu yen của chị ve chai

Chị Hồng vui mừng khi nhận lại số tiền 5 triệu yen

Niềm vui vỡ òa

Trước đó, vào sáng sớm chị Hồng đã ra chợ mua cho mình cái áo mới để mặc đi nhận tiền. Theo chị Hồng chia sẻ, do quanh năm phải đi mua ve chai nên quần áo của chị gần như không còn cái nào mặc coi được. Mua áo về, chị cùng chồng là anh Trịnh Minh Vương (sinh năm 1979) ngồi đợi điện thoại của công an thông báo đến nhận tiền.

Ly kỳ hành trình nhận lại 5 triệu yen của chị ve chai

Tuy nhiên, 9h sáng chị vẫn chưa nhận được cuộc gọi nào từ cơ quan công an. Buồn bã chị lại thay quần áo ra rồi đẩy xe đi mua ve chai kiếm tiền mưu sinh như mọi ngày. Dù vậy, chị Hồng vẫn có linh cảm người ta sẽ gọi điện cho mình, nên chỉ đi mua ve chai trong các con hẻm gần nhà. Đến 14h30, chị Hồng bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ cơ quan công an mời lên làm việc.

“Lúc đó tôi gửi xe ve chai lại cho người quen, rồi về kêu chồng chở lên công an quận. Trên đường đi, tôi chỉ nghĩ là họ kêu lên để làm giấy tờ thôi, vì không biết chữ nên tôi mới gọi cho luật sư Hà Hải (người hỗ trợ pháp lý cho chị) đến. Ai ngờ, đến nơi thì anh công an kêu ký vào giấy bãi nại và tiến hành thủ tục trao lại tiền, khiến tôi quá bất ngờ”, chị Hồng chia sẻ.

Lúc mới nghe anh công an nói đến đó, chị Hồng đã chạy ùa ra cổng báo tin cho chồng và phóng viên các báo đài biết. Vừa ôm chồng chị Hồng vừa nói “Mừng quá, tí về nhà em kể cho anh nghe”, rồi quay sang nói với các phóng viên “Vui quá! Mọi người ơi…nhận được tiền rồi”.

Vẫn đi mua ve chai

Sau khi làm các giấy tờ cần thiết chị Hồng đã được luật sư Hà Hải chở thẳng đến Chi nhánh ngân hàng Vietcombank nằm ở số 10 đường Võ Văn Kiệt (quận 1) để nhận lại số tiền.

Tại đây, khi công an làm việc với đại diện ngân hàng, chị Hồng ngồi ngoài đợi, mà vẫn run bần bật, lâu lâu hai tay lại cố nắm chặt chiếc điện thoại, những giọt nước mắt chảy dài trên má trong niềm vui sướng. “Không biết nói gì nữa, mừng quá phát khóc luôn”, chị Hồng nói.

Sau 30 phút ngồi đợi, chị Hồng cùng luật sư Hà Hải được đưa vào phòng làm việc để nhận lại số tiền. Cầm số tiền 5 triệu yen chị Hồng vẫn chưa tin đó là sự thật, “Giờ tôi như đang nằm mơ. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã ủng hộ tôi trong thời gian qua. Ban đầu khi phát hiện số tiền này, tôi nghĩ sẽ trả lại cho người bị mất, rồi họ cho lại mình 5 -10 triệu để làm vốn đi mua ve chai thôi. Số tiền nhận được này tôi sẽ trích một phần làm từ thiện và gửi về quê cho gia đình...”, chị Hồng nói trong nghẹn ngào.

Ly kỳ hành trình nhận lại 5 triệu yen của chị ve chai

Dù giờ là triệu phú nhưng chị Hồng vẫn tiếp tục đi mua ve chai

Sau đó chị đã đến ngân hàng khác để đổi tiền ra tiền Việt và được 691 triệu đồng. “Trong tổng số tiền đó có 116 tờ bị mục nát không đổi được, tôi đã nhờ người gửi qua Nhật Bản để đổi lại”, chị Hồng nói.

Khi chị về đến phòng trọ trời đã tối, nhưng bà con chòm xóm xung quanh vẫn kéo đến chia vui cùng vợ chồng chị.

Tuy vui, nhưng chị Hồng vẫn không quên lời hứa của mình là sẽ mua gạo, sữa... đi đến các cơ sở trẻ mồ côi, hội người mù để làm từ thiện. Chị Hồng cũng cho biết thêm, dù đã trở thành “triệu phú” nhưng hàng ngày chị vẫn đi mua ve chai để kiếm tiền mưu sinh.

Hành trình nhận lại tiền đầy “sóng gió”

Ngày 21/3/2014, chị Hồng đem một chiếc loa thùng cũ mà mình mua vào tháng 11/2013 với giá 100 ngàn đồng từ một người đàn ông khoảng 40 tuổi ở góc đường Âu Cơ – Trần Văn Quang (quận Tân Bình) ra đầu hẻm 84 Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình) đập để lấy sắt vụn. Khi đập chiếc loa ra thì chị Hồng thấy bên trong có 1 chiếc hộp bằng gỗ ép. Mở hộp gỗ ra, chị Hồng thấy nhiều tờ tiền bay tung tóe ra đường.

Ban đầu, chị Hồng cứ nghĩ đó là tiền giả nên không quan tâm lắm. Lúc này, có người nhặt lên và nói là yen Nhật chị Hồng mới biết. Ngay lập tức, thông tin chị Hồng nhặt được số tiền lớn lên đến cả tỉ đồng lan truyền khắp nơi. Nhiều người đã kéo đến nhà trọ vợ chồng chị đang ở để xin tiền. Trong đó, có cả những tay anh chị giang hồ với bộ dạng hung dữ đến dọa nạt, đòi vợ chồng chị đưa số tiền này ra. Do lo sợ bị nguy hiểm đến tính mạng của mình, nên chị Hồng đã đem nộp toàn bộ số tiền trên cho công an.

Qua kiểm kê, số tiền được phát hiện là hơn 520 tờ mệnh giá 10.000 yen Nhật đã được công an niêm phong. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, ngày 28/4/2014, Công an quận Tân Bình đã ra thông báo tìm chủ sở hữu của số tiền trên. Theo quy định, nếu một năm sau khi thông báo rộng rãi trên báo chí mà không ai đến nhận là chủ sở hữu thì toàn bộ số tiền trên sẽ thuộc quyền sở hữu của chị Hồng.

Trong thời gian dài có rất nhiều người đã đến trụ sở công an nhận tiền là của mình, nhưng không ai chứng minh được. Cứ tưởng số tiền lớn này sẽ thuộc về chị Hồng. Bất ngờ vào “phút 89” lại xuất hiện một người phụ nữ tên Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đến công an trình báo chiếc loa và số tiền đó là thuộc quyền sở hữu của chồng mình.

Theo lời bà Ngọt thì chồng mình tên Efolayan Caleb (SN 1957, quốc tịch Nigeria), là giảng viên dạy tiếng Anh, từ năm 2003 đến 2005, ông dạy tiếng Anh và phụ bán ô tô tại Nhật. Đến năm 2009, chồng bà đến Việt Nam trực tiếp giảng dạy tiếng Anh ở một số trường cấp 2 và trung tâm ngoại ngữ. 

Trong khoảng thời gian này, bà Ngọt được một người bạn giới thiệu gặp ông Efolayan Caleb, sau đó hai người quen biết và kết hôn, được sự chứng nhận hợp pháp của cơ quan chức năng nước Negiria. Để thuận lợi cho sinh hoạt và đi làm hàng ngày, hai vợ chồng bà Ngọt đã đến tạm trú tại huyện Hóc Môn. Khi về chung sống với nhau, bà Ngọt thấy chồng có ba chiếc loa cũ, không biết mua lúc nào, trong đó có hai chiếc loa lớn và một loa nhỏ.

Thời gian chung sống ông Caleb nói với bà Ngọt là có để dành được khoảng 6 triệu yên Nhật cất trong một cái hộp. Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển nhà thì ông không nhớ nổi là cất giấu hộp đựng tiền ở đâu.

Đến tháng 6/2013, ông Efolayan Caleb nhận tin từ người thân ở quê nhà báo mẹ ông đang bệnh nặng. Thương mẹ, ông đã lập tức về nước chăm sóc mẹ. Đầu tháng 9/2013, khi dọn dẹp nhà, bà Ngọt thấy 3 chiếc loa thùng cũ. Trong đó, có một chiếc bị hư hỏng nên đem đến cho người anh họ tên Hòa (ngụ quận Tân Bình).

Trước khi đưa cho người này, bà Ngọt còn dặn dò sửa chữa lại để sử dụng. Cuối tháng 3/2015, bà Ngọt đọc được thông tin trên phương tiện truyền thông về vụ người mua ve chai nhặt được hơn 5 triệu yên Nhật trong thùng chiếc loa cũ thì mới sực nhớ ra đến lời nói của chồng trước đây. Ngay lập tức, bà Ngọt tới nhà ông Hòa hỏi về cái loa cũ, nhưng ông này cho biết, đã bán ve chai từ lâu. Nghi ngờ đây là số tiền mà chồng mình nói trước đây, nên bà Ngọt làm đơn gửi đến Công an quận Tân Bình nhờ xác minh, làm rõ.

Tiếp nhận đơn của bà Ngọt, Công an quận Tân Bình lúc này đã quyết định tạm ngưng việc trao tiền cho chị Hồng, để tiến hành xác minh về những thông tin bà Ngọt cung cấp. Đặc biệt, làm rõ về thông tin người chồng nước ngoài có thực sự là chủ nhân của 5 triệu yen này không?.

Chỉ trong một thời gian ngắn những thông tin động trời về người đàn ông ngoại quốc này đã được hé lộ. Theo đó, ông Caleb đã dùng hộ chiếu giả để nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp ở Việt Nam trong một thời gian dài. Khi hộ chiếu giả vừa hết hạn thì ông này cũng nhanh chóng cao bay xa chạy. Từ những thông tin đó, Công an quận Tân Bình đã mời bà Ngọt lên và thông báo bác đơn yêu cầu của bà và sẽ tiến hành trao trả số tiền này cho chị Hồng.

Từ lúc công an chính thức thông báo mình sẽ được nhận được số tiền và đợi công an trao lại tiền, chị Hồng liên tục bị nhiều người đến nhà xin, vay tiền. Đặc biệt, chị còn nhận được một “bức tâm thư” với yêu cầu chị trả lại số tiền cho nước Nhật.

Cứ thế, để nhận lại được số tiền 5 triệu yen chị Hồng đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, vui rồi buồn, buồn rồi lại vui, khiến người phụ nữ quê miền Trung này nhiều lần muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, bằng sự động viên của gia đình và mọi người chị đã đứng vững đến ngày hôm nay để đón nhận niềm vui. Sự việc hy hữu chưa từng có từ trước đến nay đã tốn không ít giấy mực của báo chí và gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Và cái kết của sự việc này theo nhiều người là có hậu, đúng như câu nói “ở hiền thì gặp lành”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ly kỳ hành trình nhận lại 5 triệu yen của chị ve chai