Những uẩn khúc trong vụ học sinh bị xe đâm gãy chân ở trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) dần hé lộ. Đó là một nỗi đau, càng khoét càng sâu.
Tôi không chủ định viết về vụ việc này vì những ngày qua báo chí đã khai thác quá nhiều. Rất nhiều những chỉ trích, rất nhiều những lời truy vấn gay gắt đối với cá nhân bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc. Khi viết những dòng này tôi còn thấy đau xót thì những người trong cuộc, những "Người Thầy" đúng nghĩa còn cay đắng đến mức nào.
Tôi tự hỏi, đến thời điểm này chúng ta có thể dừng khai thác vụ việc được chưa? Hãy cứ tin rằng, bà Hiệu trưởng vẫn còn chút lương tri của một nhà giáo và cứ dõi xem những người đang muốn chấn hưng nền giáo dục sẽ xử lý vụ việc thế nào.
Những ngày qua, chúng ta mải mê công kích một nhà giáo dối trá, trơ trẽn mà vô tình quên rằng, trường học không chỉ có mình bà Hiệu trưởng. Đó là một môi trường giáo dục với hàng chục thầy cô giáo, với hàng trăm, hàng ngàn học sinh. Thầy giáo dạy gì, học sinh học gì khi ngày ngày trên báo vẫn dày đặc những thông tin tiêu cực về mái trường?
Rất nhiều người sẽ không tin, bằng ấy sự thật đã phơi bày đủ để thức tỉnh bà Ngọc, bởi cho đến thời điểm này bà Hiệu trưởng vẫn chưa một lần tỏ ra ân hận về việc mình làm.
Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên
Đạo đức là một phạm trù rất rộng nên tôi không dám bình xét. Người xưa nói "Nhân chi sơ, tính bản thiện", con người khi sinh ra đã có tính thiện thì tại sao khi về già lại làm điều bất thiện? Người ta cho rằng, nguyên nhân là do giáo dục, mà hạt nhân của giáo dục lại chính là con người. Muốn giáo dục tốt thì trước hết người thầy phải tốt, người thầy tốt là người phải có nhân cách, phải giữ được "đạo" làm thầy.
Hàng chục năm nay, ngành giáo dục cứ loay hoay tìm đường cải cách, nào là cải cách chương trình sách giáo khoa, cải cách phương pháp dạy và học, cải cách thi cử. Trong khi đó, cái quan trọng nhất là "cải cách người dạy" thì không bàn tính đến. Nếu người dạy không đủ tâm, đủ tầm thì sách có hay đến mấy, phương pháp có ưu việt đến mấy cũng là thứ bỏ đi.
Những năm qua, một sự thật buốt xót là tại môi trường giáo dục xảy ra quá nhiều tiêu cực, thậm chí, có cả những vụ việc đồi bại đến tột cùng của sự vô lương. Mặt trái của cơ chế thị trường, những cám dỗ vật chất đã khiến một số "nhà mô phạm" xa rời cái "đạo" của mình và phải trả giá. Đúng như người xưa nói "Nhất thất túc thành thiên cổ hận" (một bước sa chân ngàn thu ôm hận).
Vẫn biết làm người khó, làm thầy của người ta càng khó hơn. Bởi để làm thầy thì cần phải hội đủ các yếu tố, tiêu chuẩn về thiên tư, học vấn, là thầy thì tâm phải sáng, tướng phải thẳng, không vì lợi lộc mà luồn cúi, khom lưng.
Một nhà giáo bất lương không chỉ là sự bất hạnh của một ngôi trường mà nó là sự bất hạnh của ngành giáo dục và là nguyên nhân làm hao tổn nguyên khí quốc gia. Người thầy không thiện lương thì không thể đào tạo ra được những học trò thiện lương, đó thực sự là mối lo của xã hội.
"Lương sư hưng quốc" trọng trách của người làm thầy gói trong 4 chữ ấy. Một quốc gia mà đội ngũ giáo chức không lương thiện, thiếu đạo đức thì quốc gia ấy không thể hùng cường, không thể hưng thịnh và ngược lại...
Một người thầy phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, bất chấp thủ đoạn gian dối, thoái thác trách nhiệm và vô cảm thì hẳn nhiên đó không phải là một "lương sư". Sự dung túng và bao che cho những người được cho là "nhà giáo" này sẽ là hậu họa cho quốc gia, xã hội. Bởi "lương sư" thì mới "hưng quốc".