Hội thảo Thị trường khách Nhật Bản đã nhìn nhận, đánh giá về điểm mạnh, hạn chế của Việt Nam trong việc thu hút du khách từ xứ hoa anh đào. Đồng thời, hội thảo cũng đưa ra những giải pháp thiết thực về vấn đề này.
Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM 2018, sáng ngày 7/9, Hội thảo Thị trường khách Nhật Bản diễn ra tại Trung tâm hội nghị và triển lãm TP.HCM (SECC, Q.7). Chương trình có sự tham gia của ông Junichi Kawaue, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM), ông Bùi Tá Hoàng Vũ (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM), ông Lã Quốc Khánh (Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM), bà Hirose Noriko (Đại sứ Du lịch TP.HCM tại tỉnh Aichi, Nhật Bản) và nhiều doanh nghiệp du lịch ở cả hai nước.
Phát biểu tại Hội thảo Thị trường khách Nhật Bản, ông Junichi Kawaue, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, đánh giá cao hoạt động mà cả Nhật Bản và Việt Nam đạt được trong những năm gần đây, đặc biệt là Hội chơ Du lịch Quốc tế TP.HCM 2018 diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/9/2018. Đại diện Nhật Bản khẳng định chính sự kiện này đã và đang đẩy mạnh quá trình hợp tác du lịch, giới thiệu về thị trường du lịch của hai quốc gia đến khách du lịch quốc tế, tiến tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật - Việt. “Trong năm 2016, Việt Nam nằm trong top dẫn đầu tỷ lệ gia tăng khách du lịch đến Nhật Bản. Đến thời điểm hiện tại, Nhật đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, tạo ra nhiều lộ trình mới như thám hiểm, khai phá… để khai thác hết tiềm năng du lịch quốc gia”, ông Junichi Kawaue khẳng định.
Tham gia hội thảo, hai diễn giả đến từ xứ sở mặt trời mọc mang đến hai bài thuyết trình, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về tình hình khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam trong những năm vừa qua, đồng thời đưa ra những hạn chế và giải pháp để khắc phục trong tương lai. Theo đó, những năm gần đây, lượng du khách Nhật đến các nước Đông Nam Á là 4,9 triệu người, trong đó du khách ghé thăm Việt Nam đứng thứ hai sau Thái Lan. Diễn giả Nhật Bản đánh giá cao thị trường du lịch Việt Nam với nhiều bãi tắm đẹp, điểm đến hấp dẫn như: Vịnh Hạ Long (khu vực miền Bắc) phố cổ Hội An, thành phố Đà Nẵng (khu vực miền Trung) và Thành phố Hồ Chí Minh (khu vực miền Nam)…
Phía Nhật Bản cũng đưa ra những lý do người dân trong nước ngại ra nước ngoài là vì sợ bất an về tình trạng sức khỏe, thủ tục phức tạp, thiếu địa điểm yêu thích, không có người chăm nom thú cưng… Thậm chí, một số người dân Nhật nghĩ việc đi du lịch ở các quốc gia khác là một điều xa xỉ. Riêng đối với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, để có thể thu hút được lượng khách đông từ Nhật Bản, cần tạo ra những chuyến đi mới như đi phà ở hầm Thủ Thiêm, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng hình thành thiện cảm đối với khách quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ đặt phòng khách sạn để đáp ứng nhu cầu du lịch. “TP.HCM là một thành phố tràn đầy năng lượng, phải vận dụng những thế mạnh đó để quảng bá và đưa du lịch thành phố ngày càng phát triển”, diễn giả Nhật khẳng định.
Phía Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về vấn đề phát triển du lịch mà diễn giả Nhật Bản đặt ra. Đồng thời cho biết trong kế hoạch phát triển thời gian tới, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng của du lịch Việt, đứng sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2017, Việt Nam đón hơn 800.000 lượt khách Nhật vào Việt Nam, tăng hơn 7% so với năm trước. Đến năm 2020, sẽ phấn đấu để đón hơn 1 triệu lượt khách đến với thị trường du lịch Việt. Đặc biệt, trong tháng 11.2018, hãng hàng không Vietjet sẽ thiết lập 2 đường bay chính sang các thành phố của Nhật để đẩy mạnh phát triển du lịch tại quốc gia này.
Tại buổi hội thảo, ông Lã Quốc Khánh cho biết nếu như trước đây, việc người dân Việt Nam sang Nhật Bản du lịch là một điều xa vời thì hiện tại câu chuyện này đang dần trở nên phổ biến hơn. Điều đó xuất phát từ sự tin cậy và chân thành trong việc làm ăn, sinh hoạt văn hóa, giao lưu giữa hai nước. Ông Khánh cũng có những ý kiến đóng góp để thúc đẩy việc hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cụ thể, có 3 giải pháp gồm: nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo mối quan hệ với hàng không, các công ty kinh doanh và đẩy mạnh quảng cáo. Ông Khánh nhấn mạnh việc nắm được cách thức tiếp thị điểm đến của mình đóng một vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. “Không chỉ nghiên cứu thị hiếu mà còn phải đẩy mạnh mạng xã hội bởi nó trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng. Phát triển của cách mạng 4.0 sẽ thay đổi cách tiếp cận maketing mà ngành du lịch cần tiếp cận digital maketing để hiểu được đặc tính của thị trường Nhật, những thuận lợi, cản trở để tạo ra một môi trường du lịch chất lượng cho du khách”, ông khẳng định.
Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM 2018 diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/9 tại Trung tâm hội nghị và triển lãm TP.HCM là sự kiện thường niên của ngành du lịch Việt Nam. Với chủ đề “Cửa ngõ du lịch châu Á", sự kiện sẽ tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa, giúp quảng bá hình ảnh du lịch TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, trong ngày 8/9, hội chợ sẽ chính thức mở cửa tự do, tạo điều kiện để người tiêu dùng có cơ hội mua được những tour du lịch giá rẻ.