Đã hơn 10 ngày kể từ khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với hành vi “phóng uế” nơi công cộng chính thức có hiệu lực (1/2/2017). Nhưng theo ghi nhận của PV báo Công lý, nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc thực hiện Nghị định trên.
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP (thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP), tại điều 20, khoản b quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ban hành ngày 18/11 vừa qua nêu rõ: “Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng”.
Thực tế không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những người đàn ông dàn hàng ngang hai bên quốc lộ, các tuyến đường hoặc ngay ở phố trong đô thị để phóng uế. Đây là những hành vi gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi trên được nhiều người ủng hộ, nhưng để thực hiện việc phát hiện và xử phạt đối với các cơ quan chức năng lại không phải là điều dễ dàng.
Trao đổi với PV báo Công lý, ông Nguyễn Minh Cường - Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) - cho biết, trên thực tế, lãnh đạo phường cũng mới chỉ nắm bắt thông tin qua các kênh báo chí chứ chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào. Do đó, phường cũng mới chỉ trao đổi trong nội bộ chứ chưa áp dụng được vào thực tế. Nếu áp dụng, việc xử phạt cũng sẽ không dễ dàng.
Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng
Một vị Chủ tịch phường ở quận trung tâm TP.Hà Nội chia sẻ với PV: “Chủ trương của Chính phủ là rất tốt, giúp cho môi trường được trong sạch và đảm bảo mỹ quan đô thị. Nhưng nếu đem áp dụng ngay thì e rằng hơi vội. Thực tế, số lượng nhà vệ sinh cộng ở Hà Nội là quá ít, không đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân”.
Cũng theo vị này, nếu thành phố thực hiện giao cho các phường thì cũng rất bất khả thi. “Nếu tại trụ sở phường, người dân tới mà có hành vi không đúng chuẩn mực, thiếu văn hóa thì chúng tôi còn nhắc được. Còn nếu ở nơi công cộng khác thì chúng tôi bắt buộc phải có thẻ, các phương tiện kỹ thuật để ghi lại hành vi đó làm bằng chứng để xử lý. Hơn nữa cán bộ phường cũng rất mỏng, nếu làm thì phải cử hẳn một lực lượng thành một đội chuyên làm những việc xử lý người dân vi phạm quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhìn chung là rất khó thực hiện”.
Còn ông Hoàng Trung Kiên - Chủ tịch UBND phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy) cho biết: “Trước chưa có Nghị định 155 thì vẫn có Nghị định cũ, theo đó chúng tôi đã thành lập tổ Quản lý vệ sinh môi trường để xử lý những trường hợp vi phạm về đổ rác thải bừa bãi. Tuy nhiên, về tiểu bậy thì chúng tôi chưa xử phạt được trường hợp nào”.
Cần đầu tư xây dựng hệ thống nhà về sinh công cộng phục vụ người dân
Theo PGS.TS Nguyễn Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Mục đích là rất tốt vì góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận lại hệ thống các thùng đựng rác và nhà vệ sinh công cộng xem đã đáp ứng được đủ nhu cầu của người dân, du khách chưa? Tại Hà Nội, tôi thấy nhiều nơi vẫn còn chưa được trang bị những thứ này và đương nhiên, lúc bí thì người dân họ buộc phải xả rác ra ngoài hay “phóng uế” bừa bãi”.
Thực ra, Nghị định 155 chỉ là thay thế Nghị định cũ được Chính phủ ban hành năm 2013, nhưng có thể thấy suốt mấy năm qua, Nghị định chưa đi sâu vào cuộc sống, không nhiều người dân biết đến.
Vì vậy trước khi thực hiện các biện pháp mang tính răn đe, nên chăng cần nâng cao ý thức người dân. Nếu làm được như vậy thì sẽ giải quyết được vấn đề triệt để, tận gốc.