Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc ngày 23/11 vừa qua, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này đối với dự án Luật về hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 để tiếp tục hoàn thiện.
Quốc hội cũng đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).
Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đồng tình với việc lùi thời hạn thông qua hai dự án Luật này và cho rằng, đây là quyết định trách nhiệm, thận trọng của Quốc hội khóa XIV trước những vấn đề rất lớn của đời sống xã hội. Đồng thời cho rằng, những nội dung chính sách lớn đã được các đại biểu Quốc hội khóa XIII thông qua trong BLHS 2015 cần kế thừa một cách hợp lý, bởi vì đã được các đại biểu thảo luận hết sức kỹ càng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại Quốc hội
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nhận xét, với đa số là đại biểu mới, nhưng các đại biểu đã nhập cuộc rất tốt trong hoạt động xây dựng pháp luật cũng như đóng góp vào các vấn đề quan trọng của đất nước và chất vấn các Bộ trưởng, thành viên của Chính phủ. Đặc biệt, các đại biểu đã đóng góp để Quốc hội lùi thời gian thông qua Luật về hội và Luật sửa đổi bổ sung BLHS năm 2015, đã thể hiện được chất lượng trong xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc lùi thông qua hai dự luật là quyết định đúng đắn của Quốc hội. Theo đại biểu Nhưỡng, đây là vấn đề cần xem xét một cách thấu đáo, kỹ càng hơn. Ví dụ như Luật về hội, trong luật về quyền lập hội phải được bảo đảm như thế nào, hay khoản 5 Điều 8 về hợp tác quốc tế. “Tôi cho rằng hợp tác quốc tế là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, các hội phải tham gia vào giao lưu nhân dân. Làm thế nào để vừa phù hợp với đường lối của Đảng, vừa phải đảm bảo an toàn, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia mà không phủ nhận quyền lập hội và quyền tham gia hoạt động hội”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Vấn đề trách nhiệm hình sự của người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trong BLHS, ông cho rằng rất quan trọng. Nó liên quan đến hai khái niệm là người chưa thành niên, vị thành niên với khái niệm trẻ em, phải làm sao giải quyết được khái niệm này. Hay vấn đề xác định định lượng của ma túy để đảm bảo công bằng trong xét xử thì đây là vấn đề rất lớn, cần nghiên cứu thấu đáo.
Ông Nhưỡng cũng dẫn thêm, có ý kiến phát biểu rất cảm quan cho rằng, cứ có ma túy là xử lý, nói thế là không thực hiện đúng theo chương 2 của Hiến pháp về quyền con người.
Trước đó, khi thảo luận tại hội trường, các đại biểu cho rằng, xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của BLHS 2015 liên quan trực tiếp đến đời sống của công dân cũng như cộng đồng và xã hội để bảo đảm, thực hiện được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác tư pháp cũng như tinh thần Hiến pháp 2013 cho nên dự luật này cần được xử lý một cách thận trọng. Việc sửa đổi, bổ sung BLHS cần tuân thủ triệt để nguyên tắc đối với các nội dung lớn liên quan đến chính sách hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Còn những chính sách hình sự mới chưa được thực tiễn kiểm nghiệm thì không nên sửa đổi, bổ sung. Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật trong Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm hiểu và áp dụng thống nhất nhất là đối với sai sót tại các phần tội phạm cụ thể.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, ít nhất cũng phải kỳ họp tới mới thông qua Bộ luật này. Ông cho rằng, thảo luận ở hội trường Quốc hội vẫn chưa đủ, cần phải có những cuộc thảo luận hết sức chuyên sâu, có khi vài ba ngày về một số chuyên đề nào đó. Hội thảo phải có những chuyên gia, Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên dày dặn kinh nghiệm để giải quyết từng vấn đề, từng nội dung đang cần sửa. Ví dụ, trách nhiệm hình sự của pháp nhân với quy định như hiện nay khi áp dụng sẽ vướng điều gì, được cái gì hay vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực tư cũng vậy, một vấn đề mới cần có những thảo luận chuyên sâu. Lĩnh vực nào có những chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực đó thì sẽ tốt hơn, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu Nghĩa, hiện nay chúng ta đã ban hành án lệ thì án lệ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình giải quyết vấn đề điều tra, truy tố, xét xử những vấn đề mới. Vì vậy, cần phải tập trung sức lực trong 6 tháng tới với những chuyên gia về các lĩnh vực có liên quan, để giải quyết những điều luật hiện nay đang vướng, cần sửa đổi.