Trải qua 70 năm chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
70 năm, các thế hệ Công an nhân dân đã lập nhiều chiến công xuất sắc, tô thắm thêm trang sử vàng vẻ vang của dân tộc.
Những ngày đầu non trẻ
Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc Việt Nam đã tổng khởi nghĩa vùng lên đánh đổ hoàn toàn ách thống trị hàng ngàn năm của phong kiến và thực dân, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Ngay sau đó, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam.
Lực lượng CAND Việt Nam ngày càng lớn mạnh
Lúc bấy giờ, chính quyền cách mạng vừa được thành lập đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, vận mệnh của dân tộc như “Ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an đã làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, tiến hành bóc gỡ nhiều tổ chức phản động, bảo vệ Đảng, chính quyền và thành quả cách mạng. Đặc biệt, ngày 12/7/1946, Nha Công an Trung ương đã khám phá vụ án phản cách mạng ở Số 7, phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Hà Nội; phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân đồng loạt tấn công, bóc gỡ 40 trụ sở Quốc dân Đảng, bắt trên 100 tên phản động, đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và bọn phản động.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng CAND đã cùng với quân và dân cả nước nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng Công an xung phong Hà Nội và Công an các địa phương đã tham gia tiến công, tiêu diệt, vây hãm địch, bảo vệ an toàn các cơ quan chính quyền, đoàn thể, bảo vệ vận chuyển tài liệu, kho tàng, tài sản quốc dân và tản cư nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự.
Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt, đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động gián điệp, do thám của thực dân Pháp xâm lược; đập tan âm mưu hoạt động đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân; đấu tranh bài trừ lưu manh, trộm cướp, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống của nhân dân.
Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép/Đối với công việc, phải tận tụy/Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo”, nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an nêu cao khí phách kiên cường, dũng cảm, lập công xuất sắc, tiêu biểu như các đồng chí: Bùi Thị Cúc (Công an Hưng Yên), Võ Thị Sáu (Công an huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Lợi (Điệp báo Công an Hà Nội), Cao Kỳ Vân (Công an Bắc Giang), Trần Thành Ngọ (Công an Hải Phòng), Phan Khắc Trình, Trần Bình (Công an Hà Nội), Bửu Đóa (Công an Khánh Hòa), Nguyễn Xuân Thưởng (Công an Thừa Thiên - Huế)…
Ngày càng lớn mạnh và tinh nhuệ
Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết tuyển chọn, huấn luyện, sử dụng bọn tình báo, gián điệp cài cắm vào những địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự và vùng mới giải phóng; chúng tung hàng trăm toán gián điệp, biệt kích móc nối với tàn quân phỉ và bọn phản động trong nước hòng gây chia rẽ, bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng; sử dụng bọn tình báo, gián điệp, đặc vụ tiến hành các hoạt động chống phá công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc. Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và hành động.
Tính từ tháng 11/1959 đến tháng 12/1959, lực lượng CAND đã phối hợp với Quân đội nhân dân mở chiến dịch đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền tại tỉnh Hà Giang, làm tan rã lực lượng phản động gồm 1.112 tên phỉ, tiêu diệt, bắt sống 152 tên, gọi hàng 139 tên, thu 335 súng các loại; từ năm 1961 đến năm 1970, lực lượng Công an đấu tranh triệt phá 78 toán gián điệp, biệt kích, bắt giữ 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện hoạt động của chúng; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình văn hoá - xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân.
Chiến sỹ ANVT tháo bom của địch lấy thuốc nổ chế tạo vũ khí đánh địch
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, CAND đã sát cánh cùng các lực lượng khác chiến đấu đánh trả máy bay địch, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, của các cơ quan, xí nghiệp; bảo vệ kho tàng quân sự; chống tội phạm hình sự, tội phạm xâm phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống tình báo gián điệp hoạt động theo phương thức ẩn nấp P86, T72; xây dựng, hướng dẫn, phát động phong trào quần chúng sâu rộng bảo vệ ANTQ, cùng các lực lượng vũ trang khác bảo vệ vững chắc vùng giới tuyến, bờ biển, hải đảo; bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự xã hội trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Những thành tích, chiến công của lực lượng CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi tiếp vào truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND những trang sử vàng oanh liệt; hàng trăm tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sỹ Công an được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Tiêu biểu như các đồng chí: Hồ Bá Thọ (Công an Quảng Bình), Nguyễn Văn Đẹp (Công an Long An), Nguyễn Thị Lý (Công an Quảng Trị), Phạm Thành Lượng (Trung đoàn 180, An ninh vũ trang miền Nam)…
Sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, tổ chức quản lý, cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền, nhân viên của chế độ cũ, truy quét tàn quân địch; đấu tranh với nhiều loại đối tượng chống phá cách mạng. Đấu tranh làm tan rã các tổ chức FULRO, bắt hàng ngàn tên, bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm của địch, thu 2.712 súng các loại; chủ động đấu tranh bóc gỡ toàn bộ mạng lưới gián điệp, tình báo của đế quốc Mỹ và tay sai cài lại theo kế hoạch hậu chiến; bắt gọn hàng trăm toán gián điệp, biệt kích của các thế lực thù địch từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam; đập tan âm mưu và hoạt động của bọn phản động lưu vong xâm nhập móc nối với bọn phản động trong nước âm mưu gây bạo loạn, lật đổ chính quyền.
Chỉ trong vòng 2 năm (1976 - 1977), lực lượng CAND đã đấu tranh, khám phá tổ chức phản động “Mặt trận Quốc gia giải phóng Việt Nam”, bắt 1.395 tên, trong đó có nhiều thủ lĩnh tự phong, gồm “Quốc trưởng”, “Thủ tướng”, 57 tên chỉ huy cấp quân khu, sư đoàn, 519 tên chỉ huy cấp trung đoàn, tiểu đoàn, thu giữ 147 tấn vũ khí, 16 bộ điện đài, 2 tàu xâm nhập và khám phá 7 tổ chức phản động trong nước. Tiếp những năm sau đó, lực lượng CAND đã kiên trì đấu tranh, đập tan âm mưu khủng bố của nhiều tổ chức phản động lưu vong, bắt và truy tố 37 tên phản động, thu 10.141 tờ truyền đơn và nhiều loại tài liệu, vũ khí.
Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, lực lượng CAND đã tham mưu giúp Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về công tác Công an trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”, “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm ma túy”. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Tham mưu đề xuất và trực tiếp giải quyết nhiều vụ, việc phức tạp liên quan đến vấn đề tôn giáo, dân tộc, an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, an ninh văn hóa - tư tưởng. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nghiệp vụ, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội trọng đại của đất nước. Chủ động phòng ngừa và liên tục mở nhiều đợt tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, góp phần tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ, thương binh và tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự; tiếp tục động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong giai đoạn mới, ngày 13/6/2005 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 521/QĐ-TTg về việc lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
70 năm qua, trải qua các thời kỳ cách mạng của đất nước, dù trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, lực lượng Công an luôn quán triệt tư tưởng của Ðảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để rèn luyện ngày càng chính quy và tinh nhuệ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, an ninh và an toàn xã hội để xây dựng, phát triển đất nước.