Luật TTHC 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về thi hành án hành chính nhằm bảo đảm hiệu lực và tính khả thi trong việc thi hành các bản án, quyết định về vụ án hành chính của Toà án.
Thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài
Luật TTHC 2015 bổ sung 1 chương (Chương XVIII) quy định về thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài, gồm các vấn đề cụ thể sau: Nguyên tắc áp dụng; Quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính của người nước ngoài; Năng lực pháp luật tố tụng hành chính của cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
Luật cũng quy định các phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài; Thông báo về việc thụ lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa; Xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài; Công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận hoặc do cá nhân cư trú ở nước ngoài gửi cho Tòa án Việt Nam qua dịch vụ bưu chính;Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài; Tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và xử lý kết quả tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm cho đương sự ở nước ngoài.
Một phiên tòa hành chính
Quy dịnh này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế; Tạo cơ chế pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài, quyền, lợi ích hợp pháp của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thi hành án hành chính
Yêu cầu thi hành án hành chính và trách nhiệm thực hiện yêu cầu được quy định trong Luật TTHC 2010 như sau: Trường hợp người phải thi hành án không thi hành án thì người được thi hành án yêu cầu bằng văn bản đối với người phải thi hành;
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản, người phải thi hành án vẫn không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm ra văn bản đôn đốc việc thi hành;
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự về việc đôn đốc thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành án, không thông báo kết quả thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Luật TTHC 2015 sửa đổi, bổ sung quy định như sau:
Quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án;
Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được thi hành án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định buộc thi hành án hành chính;
Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật; Xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án.
Quy định này bảo đảm hiệu lực và tính khả thi trong việc thi hành các bản án, quyết định về vụ án hành chính của Toà án.
Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính
Luật TTHC 2015 bổ sung 1 chương (Chương XX) quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính. Theo đó, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính bị xử lý bao gồm:
Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa; Hành vi xúc phạm uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án; Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án; Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; Hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án; Hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án; Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án; Hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án; Hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Luật TTHC 2015 chỉ nêu các hành vi vi phạm. Các nội dung khác như hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng văn bản pháp luật và xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính; Bảo đảm hoạt động tố tụng hành chính được tiến hành thông suốt, hiệu quả; việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời; Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các bộ luật, luật về tố tụng khác (BLTTHS, BLTTDS, Luật thi hành án dân sự…).
Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính
Trên cơ sở Luật Khiếu nại năm 2011, Luật TTHC 2015 bổ sung mới các quy định về hình thức khiếu nại (Điều 331), nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (Điều 334), thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai (Điều 335).
Đồng thời, Luật cũng sửa đổi nhiều quy định có liên quan nhằm bảo đảm quy định đầy đủ, chặt chẽ hơn về thủ tục giải quyết khiếu nại trong tố tụng hành chính, cụ thể là:
Về khiếu nại: Bổ sung quy định về nghĩa vụ của người khiếu nại (các điểm c, d K2Đ328): Không được lạm dụng quyền khiếu nại để cản trở hoạt động tố tụng; Chấp hành quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng mà mình đang khiếu nại trong thời gian khiếu nại;
Bổ sung quy định về quyền của người bị khiếu nại (điểm a K1Đ329): Được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại;
Rút thời hiệu khiếu nại từ 15 ngày xuống còn 10 ngày (Điều 330); Quy định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại (Điều 332); Bổ sung quy định về gia hạn thời hạn giải quyết khiếu nại tối đa 15 ngày đối với vụ việc có tính chất phức tạp (Điều 333); Sửa đổi quy định dẫn chiếu việc giải quyết khiếu nại về hoạt động giám định trong tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 336).
Về tố cáo: Quy định rõ là cá nhân chỉ có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không được phép tố cáo cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 337).
Về án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng khác, Luật TTHC 2015 bổ sung 1 chương (Chương XXII) quy định về án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác. Đây là chương mới được xây dựng trên cơ sở Luật Phí và lệ phí năm 2015, kế thừa quy định còn phù hợp về án phí, lệ phí, chi phí tố tụng khác trong tố tụng hành chính tại Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án năm 2009, Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.