Theo luật sư Trương Anh Tú, quá trình giải quyết những khiếu nại của khách hàng về Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, Công ty Vịnh Thiên đường (Alma) đã sử dụng nhiều biện pháp để “dằn mặt” luật sư trước những hoạt động khuất tất, phi pháp tại dự án này.
Ngày 3/8, Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên đường có thông cáo báo chí cho biết, đã nộp đơn khởi kiện luật sư Trương Anh Tú vì cho rằng luật sư Tú đưa ra các nhận định sai lệch về dự án và mô hình kinh doanh mà công ty này đang triển khai.
Theo thông tin từ phía Công ty Alma, TAND TP Nha Trang, nơi Công ty Alma đặt trụ sở chính, đã thụ lý đơn khởi kiện của công ty này đối với luật sư Trương Anh Tú về việc yêu cầu ông Trương Anh Tú bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên đường; buộc ông Trương Anh Tú chấm dứt hành vi xâm phạm và phát biểu ý kiến sai lệch gây bất lợi, gây hiểu nhầm cho Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên đường.
Trong đơn khởi kiện, Công Alma ước tính tổng thiệt hại thực tế đã xảy ra là hơn 80 tỉ đồng, bao gồm chi phí hạn chế, khắc phục thiệt hại, phục hồi uy tín và danh dự của công ty; thiệt hại về doanh thu, thu nhập bị mất, giảm sút. Liên quan đến vụ việc này, PV Báo Công lý đã có buổi trao đổi trực tiếp với Luật sư Trương Anh Tú để hiểu rõ hơn vấn đề.
Luật sư Trương Anh Tú
PV: Xin luật sư cho biết suy nghĩ của ông về việc bị Công ty Vịnh Thiên đường kiện đòi bồi thường thiệt hại hơn 80 tỷ đồng và chấm dứt các hành vi vi phạm của ông?
Luật sư Trương Anh Tú: Ngày 6/8/2017, tôi nhận được hồ sơ khởi kiện nêu trên do Công ty Vịnh Thiên đường gửi tới. Hiện nay, tôi vẫn chưa nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án của TAND TP. Nha Trang. Sau khi nghiên cứu hồ sơ khởi kiện này và các quy định của pháp luật có liên quan, tôi nhận thấy vụ việc khởi kiện tôi của Công ty Vịnh Thiên đường có rất nhiều điều chưa phù hợp với pháp luật cả về nội dung và thủ tục khởi kiện.
PV: Ông có thể nêu cụ thể việc khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên đường có vi phạm về thủ tục như thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Về thủ tục khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên đường chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật do yêu cầu khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên đường trong đơn khởi kiện không đúng chủ thể bị kiện, không có cơ sở xác định chủ thể bị kiện.
Đối với các phát biểu của tôi trên phương tiện thông tin đại chúng và yêu cầu gỡ bỏ, cải chính thông tin trên phương tiện truyền thông, cần phải khẳng định đây là các tác phẩm báo chí, tôi với tư cách là luật sư nhận được đề nghị của các cơ quan báo chí tham vấn ý kiến về phương diện pháp lý các vấn đề liên quan đến Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ kèm theo đơn tố cáo do các độc giả gửi tới các cơ quan báo chí.
Hoạt động này là phù hợp với quy định của pháp luật Báo chí (điều 10, 11 Luật Báo chí về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân) và Luật Luật sư. Việc đăng các bài báo có ý kiến phát biểu của tôi hoặc gỡ bỏ các bài báo này thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan báo chí, theo quy định tại điều 24, điều 42 Luật Báo chí về người có thẩm quyền phê duyệt kết cấu, nội dung bài báo và việc cải chính trên báo, tôi không phải là người đứng đầu của cơ quan báo chí do đó, không thể quyết định việc này. Vì vậy, Công ty Vịnh Thiên đường không thể yêu cầu tôi chấm dứt việc đăng tải thông tin và gỡ bỏ thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Trong trường hợp này, Công ty Vịnh Thiên đường đã xác định không đúng chủ thể bị kiện. Ngoài ra, Công ty Vịnh Thiên đường chưa thực hiện đầy đủ Bộ luật Tố tụng Dân sự về hình thức và nội dung đơn khởi kiện về “khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm". Chẳng hạn như họ phải cung cấp các tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản thuộc dự án Alma, có dự án Alma hiện hữu (phòng lưu trú) tại địa điểm đầu tư và đã được quyền cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua việc ký kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ (cung cấp không gian nghỉ dưỡng thuộc khu nghỉ dưỡng Alma) phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh dịch vụ…Tuy nhiên, hồ sơ khởi kiện của Công ty Vịnh Thiên đường chưa có các tài liệu này.
PV: Vì sao Luật sư quyết định bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Công ty Vịnh Thiên đường trong vụ việc này?
Luật sư Trương Anh Tú: Văn phòng luật sư Trương Anh Tú tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” với Công ty Vịnh Thiên đường là hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thực hiện chức năng xã hội của luật sư Việt Nam.
Tình cờ vào khoảng tháng 8/2016, Văn phòng luật sư nhận được đề nghị của phóng viên báo Gia đình Việt Nam về việc tham vấn ý kiến pháp lý đối với đơn thư tố cáo của người dân gửi tới tòa soạn khi tham gia mua “sở hữu kỳ nghỉ” của Công ty Vịnh Thiên đường. Theo đó, người dân cho rằng họ bị Công ty này dụ dỗ, lừa dối ký hợp đồng nên đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng và hoàn trả tiền nhưng không được chấp nhận. Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi đã đọc và nghiên cứu kỹ lưỡng Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, sau đó đưa ra các quan điểm pháp lý liên quan đến hợp đồng gửi Báo Gia đình Việt Nam. Từ đó, những ý kiến pháp lý này được đăng tải rộng rãi trên các cơ quan báo chí.
Sau khi có ý kiến trả lời báo chí, hàng loạt người dân đã tìm đến Văn phòng luật sư, đề nghị luật sư tư vấn, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình yêu cầu hủy bỏ hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, đòi lại tiền từ Công ty Vịnh Thiên đường. Nhận thấy tính chất vụ việc phức tạp, giá trị tranh chấp hợp đồng thấp (mỗi khách hàng khoảng từ 100 đến 200 triệu đồng) nếu tính đủ thù lao luật sư thì không phù hợp với những khách hàng này. Nhưng nếu chúng tôi không tham gia bảo vệ quyền lợi cho người dân thì họ sẽ tuyệt vọng khi tự đi đòi quyền lợi cho mình. Bởi thế, chúng tôi quyết định trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân với tinh thần vô tư, khách quan và tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Mặt khác, tôi cũng là một người tiêu dùng, đã từng được Công ty Vịnh Thiên đường mời tới dự hội thảo để mua kỳ nghỉ tại dự án Alma (vào năm 2016), khi tôi phát hiện ra những điều khuất tất, bất thường trong hoạt động của Công ty Vịnh Thiên đường thì tôi có nghĩa vụ phải thông tin.
PV: Công ty Vịnh Thiên đường cho rằng những phát biểu của ông trên phương tiện truyền thông là hoàn toàn bịa đặt, vu khống, sai sự thật gây hiểu nhầm và bất lợi cho Công ty Vịnh Thiên đường, ông nói sao về điều này?
Luật sư Trương Anh Tú: Trước khi tôi có bài phát biểu trên báo chí, các tòa soạn đã có nhiều loạt bài đăng tải thông tin phản ánh về chủ đề này. Và không chỉ có mình tôi có bài phát biểu về phương diện pháp lý các vấn đề liên quan đến Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mà có rất nhiều các luật sư đồng nghiệp khác, các chuyên gia cũng có phát biểu ý kiến về vấn đề này trên báo chí.
Ý kiến của chúng tôi về Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, dự án Alma đều trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng bản hợp đồng, quy định của pháp luật liên quan và thông tin, tài liệu do người tiêu dùng đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ cung cấp. Chúng tôi khẳng định ý kiến của chúng tôi về hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, dự án Alma là hoàn toàn đúng sự thật khách quan, phù hợp với pháp Việt Nam và những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, các phát biểu của tôi trên báo chí hoàn toàn là hoạt động thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước ghi nhận tại khoản 2 điều 9 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn nữa, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội (khoản 1 điều 4). Chính các quy kết của Công ty Vịnh Thiên đường cho tôi mới là bịa đặt, vu khống, sai sự thật.
Do đó, Văn phòng luật sư Trương Anh Tú và tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền để đề xuất ý kiến kiến nghị xử lý sai phạm trong các lĩnh vực khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của Công ty Vịnh Thiên đường trên cơ sở quy định của pháp luật và các tài liệu, chứng cứ kèm theo. Ý kiến của Văn phòng luật sư Trương Anh Tú đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp thu và có phương án xử lý vụ việc.
PV: Ông có thể cho biết đánh giá chung nhất của ông về việc Công ty Vịnh Thiên đường kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với ông và yêu cầu ông chấm dứt mọi hoạt động của mình liên quan đến họ?
Luật sư Trương Anh Tú: Quá trình giải quyết những khiếu nại của khách hàng về Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, dự án Alma, Công ty Vịnh Thiên đường đã sử dụng nhiều biện pháp để đối phó với các tình huống, trong đó có việc khởi kiện Luật sư Tú đã nêu trên. Đây có thể là biện pháp tình thế nhưng có lẽ cũng là “canh bạc cuối cùng” để Công ty Vịnh Thiên đường hy vọng giải quyết những “bê bối, sa lầy” của mình tại dự án Alma dựa trên thủ pháp “lấy bê bối để lấp bê bối”. Đồng thời, việc khởi kiện tôi của Công ty Vịnh Thiên đường có thể coi là biện pháp “một mũi tên bắn nhiều đích”. Có lẽ một mặt, Công ty này muốn “dằn mặt” tôi sau quá trình đấu tranh tích cực và quyết liệt với những hoạt động khuất tất, phi pháp tại dự án của họ.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!