Nhiều luật sư cho rằng, hành động phản kháng của người vợ nhằm mục đích ngăn cản, chống trả lại việc bị tấn công của kẻ cướp nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng.
Vụ việc vợ chém tử vong cướp sau khi chồng bị sát hại xảy ra tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An gây ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Như đã thông tin trước đó, khoảng 0 giờ 30 phút ngày 11/3, đối tượng Nguyễn Thành Trung, 31 tuổi, ngụ ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc lén đột nhập vào nhà anh Võ Tấn Hội, 38 tuổi, ngụ cùng ấp để trộm cắp tài sản.
Khi bị gia chủ phát hiện, Trung đã đâm tử vong anh Hội, sau đó không chế chị Nguyễn Thúy Hằng (vợ anh Hội). Tuy nhiên, chị Hằng bất ngờ vùng chạy thoát, thấy vậy Trung tiếp tục dùng hung khí truy đuổi.
Trong lúc hoảng loạn, chị Hằng chụp được con dao quơ lại phía sau trúng vào vùng đầu của đối tượng làm nghi phạm gục tại chỗ và tử vong sau đó. Chị Hằng cũng có nhiều thương tích phải nhập viện băng bó vết thương.
Vụ việc gây sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương
Lời khai ban đầu của chị Hằng tại cơ quan Công an cũng nói rõ, khi chồng bước ra khỏi giường ra phía nhà sau chị vẫn còn nằm ngủ. Nhưng bất chợt chị nghe nhiều tiếng kêu lên và va chạm bàn ghế rất mạnh khiến chị bật dậy.
Lúc bước khỏi giường, qua ánh sáng đèn chị Hằng phát hiện chồng mình nằm gục dưới nền gạch. Kẻ trộm là Nguyễn Thành Trung (một người cùng xóm) nên chị hoảng hốt ẵm đứa con hơn 1 tuổi chạy ra hướng cửa trước.
Trung lao tới gần chị Hằng, dùng tay nắm kéo lại nhưng chị thoát ra được. Trung tiếp tục lao tới vung hung khí chém thẳng vào người chị Hằng khiến chị Hằng bị choáng.
Lúc này, chị Hằng chụp được con dao để gần cửa chính quơ lại thẳng ra phía sau lưng mình. Nhát dao vô tình trúng ngay đỉnh đầu khiến Trung gục xuống sàn gạch, cách vị trí anh Hội nằm chừng 5 mét.
Trao đổi với PV Báo Công lý về tính chất pháp lý của vụ việc trên, nhiều luật sư cho rằng hành động phản kháng của người vợ nhằm mục đích ngăn cản, chống trả lại việc bị tấn công của tên cướp nằm trong giới hạn phòng vệ chính đáng.
Luật sư Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc đốc Công ty luật Nhân Tâm (Đoàn LSTP Hà Nội) nêu quan điểm, xét hành vi của đối tượng Nguyễn Thành Trung đã có lỗi xâm phạm chỗ ở, chuẩn bị hung khí nguy hiểm đột nhập vào nhà ở người khác vào ban đêm để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Khi bị vợ chồng anh Hội phát hiện truy hô, Trung đã dùng hung khí tấn công khiến anh Hội tử vong tại chỗ. Hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015.
Luật sư Nguyễn Ngọc Anh
Đáng chú ý, sau khi sát hại chủ nhà, Trung tiếp tục khống chế chị Nguyễn Thúy Hằng (vợ anh Hội). Hành động của chị Hằng chụp được con dao trên bàn quay ngược lại chém trúng đầu khiến Trung ngã xuống đất bất tỉnh khi anh ta cầm dao lao theo vung dao chém trúng lưng và đầu chị Hằng thì rõ ràng đây là hành động phòng vệ chính đáng.
Nếu chị Hằng không có những hành động chống trả thì chắc chắn sẽ có những hậu quả đáng tiếc hơn xảy ra. Bởi gần đây có nhiều trường hợp khi kẻ trộm bị chủ nhà phát hiện đã tấn công lại dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là vụ giết 2 người, gây trọng thương 2 người xảy ra rạng sáng ngày 7/12 ở thôn 9 xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội).
"Hành động của người người vợ là phòng vệ chính đáng. Bất kỳ ai trong trường hợp của chị Hằng cũng sẽ có hành động tương tự là chống trả tên trộm để phòng vệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Hành động của chị Hằng chỉ nhằm mục đích ngăn cản, chống trả lại việc bị tấn công của người đàn ông lạ mặt tên Trung chứ không nhằm mục đích gây ra cái chết cho người đó. Và việc chết người này là nằm ngoài ý muốn chủ quan của chị Hằng"- Luật sư Ngọc Anh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Ông Thơm phân tích, cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của công dân. Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân. Khi đã có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả trong những trường hợp có biện pháp khác để tránh được sự tấn công. Sự chống trả của người phòng vệ phải nhằm vào chính người tấn công, vào chính người đang gây ra nguy hiểm cho xã hội. Thêm nữa là sự chống trả của người phòng vệ phải là sự chống trả cần thiết.
Việc sử dụng hung khí của người vợ chống trả lại đối tượng đang truy sát tiếp tục giết mình là cần thiết và tương xứng để bảo vệ tính mạng của bản thân và cháu nhỏ. Hành vi của người vợ dùng hung khí đâm đâm trúng hung thủ gây tử vong trong hoàn cảnh này thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng nên không cấu thành tội phạm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo hướng dẫn của TANDTC đã quy định “Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng”.
Điều 22. Phòng vệ chính đáng 1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. |