Ngày 19/6/2014, Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và gia đình để thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và có một số quy định mới.
Gia đình là nền tảng của xã hội phát triển
Các hành vi bị cấm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì có 18 hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. So sánh với quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì tăng thêm 7 hành vi bị cấm. Các hành vi bị cấm tăng thêm là:
- Cấm cản trở ly hôn
- Cấm thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại
- Cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại
- Cấm lựa chọn giới tính thai nhi
- Cấm sinh sản vô tính
- Cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Cấm lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua, bán người bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Điều kiện kết hôn
Về tuổi kết hôn. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 thì: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Quy định này có khác với quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ở chỗ: nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên mà không phải là từ 20 tuổi trở lên. Còn nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên mà không phải là từ 18 tuổi trở lên.
Về hôn nhân cùng giới tính. Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 thì: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Quy định này là dấu chấm hết về ý tưởng của người mong muốn Nhà nước công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
Theo quy định tại Điều 10 thì cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 trực tiếp yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật mà không phải đề nghị VKSND yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Đồng thời cũng bãi bỏ quy định VKSND có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ việc kết hôn trái pháp luật.
Về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Khác với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn ở chỗ, ngoài việc giữ nguyên quy định “vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bổ sung chủ thể yêu cầu Tòa án giải quyết viêc ly hôn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có các chủ thể mới bổ sung là: “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”. Quy định này đã giải quyết được các trường hợp khi kết hôn vợ chồng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật, nhưng sau đó vì những lý do khác nhau mà chồng hoặc vợ bị bệnh tâm thần hoặc mắc một bệnh khác mà không thể nhận thức được, không thể làm chủ được hành vi như bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bị sốt rét ác tính… mà vợ chồng muốn giải quyết ly hôn mà không thể thực hiện được hoặc có thực hiện được lại phải “lách luật” dưới dạng có người giám hộ của người bị bệnh tâm thần tham gia tố tụng.
Về căn cứ giải quyết ly hôn
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định có hai trường hợp được Tòa án giải quyết ly hôn. Trường hợp 1: “Tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt” và trường hợp 2 là “vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích”. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giữ nguyên hai trường hợp trên để Tòa án được giải quyết ly hôn, đồng thời bổ sung các trường hợp khác được Tòa án giải quyết ly hôn. Bổ sung 1: Trường hợp có căn cứ về việc “vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”. Bổ sung 2: Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 nếu có căn cứ “về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia” (Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định).
Việc gửi bản án, quyết định của Tòa án
BLTTDS đã quy định việc gửi bản án, quyết định của Tòa án cho những người tham gia tố tụng vụ án. Tuy nhiên, trước yêu cầu của một số cơ quan chức năng về quản lý hộ tịch, hộ khẩu, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định việc Tòa án gửi bản án, quyết định của Tòa án về hôn nhân gia đình như sau:
Hủy kết hôn trái pháp luật, tại khoản 3 Điều 11 quy định: “Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch, hai bên kết hôn trái pháp luật…”
Khi chấm dứt hôn nhân, tại khoản 2 Điều 57 quy định: “Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch…”
Việc xác định cha, mẹ, con, trong khoản 2 Điều 101 quy định: “… Quyết định của Tòa án về xác định của cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch”.
Các quy định trên đây là bắt buộc Tòa án phải thực hiện. Theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý về hộ tịch thì hộ tịch là: “những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết” và theo quy định tại Điều 77 của Nghị định này thì UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hộ tịch trong địa phương mình. Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về hộ tịch. Do đó được hiểu là quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con được gửi đến Sở Tư pháp. Còn bản án, quyết định của Tòa án về hủy kết hôn trái pháp luật, công nhận quan hệ hôn nhân về ly hôn phải gửi đến cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn.