Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp UBTVQH sáng 14/9, khi cho ý kiến Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thay mặt UBTP, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đánh giá: Hồ sơ dự án Luật đã được TANDTC chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật về hòa giải, đối thoại; Sơ kết việc triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố; đánh giá tác động; lấy ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, tham khảo kinh nghiệm pháp luật một số nước để hoàn thiện dự án Luật, đủ điều kiện trình UBTVQH cho ý kiến.
Theo báo cáo“Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” được quy định trong dự thảo Luật là cơ chế pháp lý mới, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế hiện có, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn, giải quyết tranh chấp. Việc thiết lập cơ chế này sẽ giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay.
Qua sơ kết việc đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 74,08% đã khẳng định tính ưu việt của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
Do đó, UBTP tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như đã được trình bày trong Tờ trình của TANDTC.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu thảo luận
Phạm vi và đối tượng hòa giải, đối thoại mà dự thảo Luật quy định phải thỏa mãn 02 điều kiện: Những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền của TAND và phải có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.
UBTP tán thành và cho rằng, quy định này phù hợp với yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng dự án Luật là phải bảo đảm không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có.
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, ông ủng hộ việc ban hành Luật này, trên cơ sở nhu cầu thực tiễn để Nhà nước pháp quyền quản lý theo pháp luật và tinh thần hội nhập theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, ĐB băn khoăn về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện thí điểm. Khi thực hiện việc thí điểm có Đề án hay không và kết quả hòa giải đạt 76% đó là tốt như thế nào chưa rõ, thời gian thực hiện thí điểm chưa dài,…Vì vậy theo ĐB, nếu có Đề án, có nội hàm, có cấp thẩm quyền phê duyệt dựa vào đó để sơ kết sẽ phù hợp hơn. Trong thí điểm hòa giải, TANDTC đã ban hành 2 Công văn số 308 và 310. Vậy 2 công văn này đã đủ cơ sở pháp lý để khi sơ kết hay tổng kết đánh giá hay chưa đề nghị làm rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật và báo cáo thẩm tra của UBTP. ĐB cũng đồng tình với việc lựa chọn phạm vi hòa giải và đối thoại tại Điều 1 như quan điểm của TANDTC, đó là chỉ giới hạn phạm vi đối tượng là những tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi có đơn khởi kiện.
Chúng ta thấy rất rõ rằng, trong điều kiện hiện nay vấn đề hòa giải là một hoạt động rất tốt, nó không những làm giảm chi phí cho ngân sách, cho Tòa án, mà còn giảm được chi phí cho xã hội cho nên cần phải khuyến khích, vậy nên Dự thảo luật không nên đặt ra vấn đề thu phí, mà tất cả những hoạt động đó thì ngân sách nhà nước đài thọ.
Phải bám sát nguyên tắc tự nguyện của các bên
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, bà nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, những phân tích tại Tờ trình của Chánh án TANDTC đã nêu, rất thuyết phục.
"Hiện nay chúng ta tồn tại 2 loại hòa giải, đối thoại, đó là: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Dự thảo luật này cần phải xác định rõ bản chất là hòa giải, đối thoại trong tố tụng hay ngoài tố tụng và mối quan hệ giữa hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định dự thảo Luật này với thủ tục hòa giải, đối thoại trong giai đoạn chuẩn bị xét xử tại Tòa án; Làm rõ bản chất, mối quan hệ, cũng như mối quan hệ với hoạt động hòa giải tiền tố tụng trong các lĩnh vực lao động, hôn nhân gia đình, tranh chấp thương mại, đất đai…", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu.
"Một vấn đề nữa phải xuyên suốt trong Dự thảo luật này đó là phải bám sát nguyên tắc tự nguyện của các bên trong hòa giải, không ai ép buộc ai. Quy định việc Tòa án phân công Hòa giải viên, Đối thoại viên để đảm bảo quyền của các bên lựa chọn hòa giải viên, đối thoại viên, đảm bảo tôn trọng sự tự nguyện cũng như ý chí của mỗi bên. Về cơ bản dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp tới", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp.
Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao dự án Luật, trong thời gian ngắn nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị rất công phu, bài bản, chất lượng.
TANDTC đã tổ chức thí điểm đầu tiên sau đó là triển khai tại 16 tỉnh thành và có sơ kết, tổng kết, đánh giá và cùng với quá trình đó đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, trong đó pháp luật 6 nước, để thấy rằng đã làm rất thận trọng và kỹ lưỡng.
Các ĐB cũng đã đánh giá, hồ sơ dự án Luật đầy đủ, có nhiều ý kiến đóng góp của các Bộ ngành liên quan. Dự án Luật đủ điều kiện để trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới.
Về những nội dung của dự án, về phạm vi có đưa 2 phương án, hôm nay các ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất là phải có 2 điều kiện quan trọng: những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và phải có đơn yêu cầu. Bên cạnh đó cần đảm bảo nguyên tắc khác với hòa giải bên ngoài, hòa giải tố tụng mà Luật đã quy định cho cơ quan chức năng.
Phó Chủ tịch cũng quán triệt, với tinh thần như trên, Luật này phải có những đặc trưng, đặc thù riêng, bảo đảm sự tự nguyện định đoạt của các bên đương sự, thể hiện ý chí của mình; bảo đảm vô tư khách quan, bảo vệ công lý, lẽ phải, đạo lý, đề nghị Ban soạn thảo gia cố thêm, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.
Tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã giải trình thêm một số nội dung liên quan đến các quy định cụ thể trong Dự thảo luật.