Chính trị

Luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước vào phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

14/08/2024 - 14:37

Để dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) đạt chất lượng và hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần quán triệt nghiêm túc, luật hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục Chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, sáng nay (14/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật PCCC & CNCH.

Bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật PCCC và CNCN Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo luật sẽ bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh.

pc1.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Theo đó, về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 Điều. Trong đó, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện (Điều 20), ông Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Điện lực hiện hành đã quy định cụ thể, bao quát các yêu cầu về an toàn (trong đó bao gồm cả yêu cầu an toàn về PCCC) trong việc sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán, sử dụng, trang thiết bị điện.

pc3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điện lực, nhất là trách nhiệm cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong sử dụng, lắp đặt, kiểm soát an toàn điện sau công tơ còn hạn chế, dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm, kéo theo nguy cơ cháy, nổ do điện. Những nội dung này cần phải được điều chỉnh một cách tổng thể trong dự thảo Luật Điện lực dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện an toàn nói chung, điều kiện an toàn PCCC nói riêng vào Dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động tới đời sống kinh tế - xã hội, tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp.

pc6.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

"Cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát một cách chặt chẽ, khẩn trương để khắc phục cho được những bất cập, hạn chế, nhất là trong bối cảnh vừa qua các vụ cháy lớn xảy ra đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và Kết luận số 02-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC

Vì vậy, để dự thảo Luật đạt chất lượng và hiệu lực thi hành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần quán triệt nghiêm túc, luật hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

pc7.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, dự thảo Luật đã có nhiều quy định thể hiện theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PCCC theo Kết luận số 02. Tuy nhiên, tại Kết luận số 02 cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC nhất là việc tự kiểm tra của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền; rà soát để thể hiện rõ hơn việc giao Chính phủ quy định về thẩm quyền thẩm định thiết kế về PCCC; thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC…

pc8.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng với cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, giải trình, thuyết phục trên tinh thần không bỏ sót bất cứ một ý kiến nào. Tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để bao quát đầy đủ, tương thích và thống nhất với các nội dung được điều chỉnh trong các dự thảo Luật khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước vào phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ