Một định chế quan trọng trong Luật Đầu tư được thảo luận tại Quốc hội thu hút sự quan tâm của dư luận và các nhà đầu tư là thủ tục chấp nhận đầu tư các dự án tiềm tàng có ảnh hưởng đặc biệt lớn về môi trường, dân cư, an ninh.
Rất có lý khi TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng đây là một “bộ lọc” cần thiết. Tuy nhiên, theo TS Lộc, bộ lọc trong luật là chưa ổn và vẫn có những vấn đề cần phải khắc phục...
Chẳng hạn Luật Đầu tư sửa đổi không “lọc” được các dự án sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tài nguyên không tái tạo, không thấy “lọc” các dự án sử dụng năng lượng khan hiếm. Vị ĐBQH này chất vấn: Tại sao đối với các dự án sử dụng đất đai thì chúng ta quản lý chặt, nhưng những dự án sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu toàn dân quan trọng không kém gì đất đai chúng ta lại bỏ qua, không kiểm soát?
Trong quy trình thẩm định dự án, các ĐBQH và Chủ tịch VCCI nhận xét không hề thấy đâu là tiêu chí, tiêu chuẩn “lọc” dự án ở đâu cả. Các ĐB chất vấn vậy thì các cơ quan thẩm định dựa vào cái gì để chấp thuận đầu tư hay không đồng ý. Và đặc biệt là người dân, doanh nghiệp dựa vào đâu để khiếu nại nếu không đồng ý với các quyết định của cơ quan thẩm định?
Cử tri đánh giá cao việc minh bạch trong quy trình nhưng tại sao lại không minh bạch về tiêu chí và sự không minh bạch về tiêu chí này có thể vô hiệu hóa sự minh bạch về quy trình. Và đây cũng tiềm ẩn kẽ hở pháp lý để một bộ phận cán bộ, công chức thừa hành bám vào để đòi “bôi trơn”. Với các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) theo các chuyên gia rất cần có sự kiểm soát nhất định ở hầu hết các nước, do vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì thủ tục cấp giấy phép đầu tư để nhận diện, để biết họ từ đâu đến, đầu tư vào lĩnh vực gì, lớn đến đâu và đến bao giờ hoàn thành…
Việc xác định như thế nào là nhà đầu tư nước ngoài cũng còn nhập nhằng, ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng công cụ đầu tư và xác định những hạn chế sẽ phải chịu khi sử dụng công cụ đó. Cụ thể, Điều 3 của Luật Đầu tư 2005 quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện đầu tư tại Việt Nam”. Như vậy, DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập ở Việt Nam không nằm trong diện này. Tuy nhiên, Quyết định 55/2009/QĐ-TTg ban hành ngày 15/4/2009 lại quy định nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các DN có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam với tỷ lệ vốn của bên nước ngoài cao hơn 49%.
Về vấn đề ưu đãi, Điều 38 của Luật Đầu tư cũng quy định, đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan nhà nước quản lý đầu tư phải ghi ưu đãi này vào giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định này chưa đáp ứng được tính minh bạch, chưa làm rõ thủ tục để nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi này. Thông thường, các ưu đãi về chuyển lỗ hay về khấu hao tài sản không được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.
Ngoài ra, các chuyên gia đưa ra hàng loạt kiến nghị sửa đổi nhiều quy định khác trong Luật Đầu tư như yêu cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam, thủ tục tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện, chuyển nhượng, chấm dứt dự án đầu tư, quyền phân phối, quyền thuê và sử dụng lao động…
Vì vậy, để Luật Đầu tư 2005 được sửa đổi thấu đáo trở thành bộ lọc cần phải sửa đổi theo hướng viết lại toàn bộ nội dung một cách hệ thống chứ không thể dừng lại ở việc sửa đổi các điều khoản riêng lẻ.