Lựa chọn phương thức đào tạo các chức danh tư pháp cho phù hợp

congly.com.vn| 13/04/2012 10:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 4-12, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (BCĐ CCTP) Trung ương đã họp phiên thứ 2, thảo luận chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Chủ tịch nước, Trưởng BCĐ CCTP Trung ương Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp

Tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Giai đoạn 2011-2016 là giai đoạn khởi đầu thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 và các văn kiện Đại hội XI của Đảng, khẳng định tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Vì vậy, BCĐ cần bám sát nội dung Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020, trong đó tập trung làm tốt các nhiệm vụ: hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp, hoàn thiện chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp.


Chủ tịch nước khẳng định, cùng với việc khẩn trương xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động các cơ quan bổ trợ tư pháp, các cơ quan ban ngành tham gia cần tích cực xây dựng cơ chế chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.


Ba chức danh cơ bản có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp phục vụ tiến trình CCTP và đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN gồm: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Hiện nay, Học viện Tư pháp (HVTP) vẫn đảm trách việc đào tạo ba chức danh này theo tinh thần của Nghị quyết số 49 về CCTP mà Bộ Chính trị đã đề ra. Tuy nhiên, qua thảo luận của các đại biểu tại phiên họp, còn có nhiều ý kiến khác nhau về phương thức đào tạo các chức danh tư pháp hiện nay.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp


Quan điểm của ngành Tòa án cho rằng, thiếu cán bộ hiện nay là một thực tế, song ngành cũng có thể tự đào tạo cán bộ cho mình được vì hiện nay ngành đã có Trường Cán bộ Tòa án. Hơn nữa, Thẩm phán đào tạo nghề cho Thẩm phán tương lai sẽ tốt hơn là để ngành khác đào tạo. Mặt khác, theo quy định, người đứng đầu ngành Tòa án phải chịu trách nhiệm về cán bộ ngành mình nhưng nếu không được đào tạo thì làm sao biết mà chịu trách nhiệm?


Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình bày tỏ quan điểm, HVTP là một trung tâm đào tạo lớn không có nghĩa là các ngành khác không được xây dựng trung tâm lớn trong hoạt động nghiên cứu của mình. Ban cán sự Đảng TANDTC chủ trương công tác đào tạo gắn với nghiên cứu nên kết hợp Trường Cán bộ Tòa án với Viện Khoa học xét xử và Tạp chí Tòa án thành một trung tâm theo mô hình “Trường trong Viện, Viện trong Trường” để đào tạo theo nhu cầu. Bên cạnh đó, ngay trong việc đào tạo chung các chức danh tư pháp nên “phân loại” học viên để có thời gian đào tạo phù hợp. Chẳng hạn, những cán bộ Tòa án đã có thâm niên, cần bổ nhiệm ngay thì để ngành Tòa án chủ động đào tạo.


Đồng quan điểm, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng: Vẫn cần có cơ sở để đào tạo cử nhân riêng của ngành Kiểm sát vì hiện nay việc tuyển cán bộ vào ngành Kiểm sát tương đối khó, nhất là tuyển ở địa phương này và phân công sang làm việc ở địa phương khác. Do vậy, ngành Kiểm sát muốn có được hình thức “đào tạo theo địa chỉ” như ngành Công an là tuyển ngay học sinh tốt nghiệp phổ thông để đào tạo và đưa về địa phương làm việc.


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng thừa nhận, việc đào tạo các chức danh tư pháp tại HVTP hiện nay có nhiều hạn chế, nội dung và phương thức đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các cơ quan Tư pháp. Do vậy, cùng với việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nội dung và phương pháp đào tạo, Bộ Tư pháp đang tích cực chỉ đạo Học viện thực hiện Đề án xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của CCTP trong giai đoạn tới.


Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ có chức danh tư pháp là hết sức quan trọng. Các ngành Tư pháp, Kiểm sát, Tòa án tăng cường chủ động phối hợp trong tuyển dụng đào tạo, nghiên cứu cơ chế thu hút tuyển chọn người có tâm huyết, đủ đức tài, mở rộng nguồn và tổ chức thi tuyển, điều chỉnh chế độ, chính sách tiền lương phù hợp tính chất đặc thù của hoạt động tư pháp.


M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn phương thức đào tạo các chức danh tư pháp cho phù hợp