Công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng Bác Hồ đã từng dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược, quyết định.
Dưới góc độ bài viết này, chúng tôi xin chỉ đề cập việc bố trí, sắp xếp cán bộ ở nước ta còn tồn tại hạn chế, bất cập dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả công việc đạt thấp, nhất là trong hệ thống các cơ quan nhà nước.
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong các cơ quan nhà nước hiện nay thường dựa vào ý chí chủ quan của người đứng đầu, xét trên bình diện rộng hơn là chỉ một số ít cá nhân có quyền quyết định. Do đó, nhiều trường hợp chưa công tâm, khách quan và không mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tế, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và cải thiện đời sống, cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức.
Để rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, Đảng ta đã đưa ra nhiều biện pháp như xây dựng quy hoạch cán bộ từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, phẩm chất đạo đức; luân chuyển cán bộ từ Trung ương về các địa phương hay ngược lại để tiếp cận thực tế và thử thách, rèn luyện hay luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác để phòng, ngừa tham nhũng, lãng phí… bước đầu đã đạt được kết quả rất khả quan.
Tuy nhiên, trên thực tế một số nơi đã lợi dụng các chủ trương đúng đắn này để luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ không hợp lý, trù dập cán bộ, tạo phe cánh nên nhiều trường hợp cán bộ bố trí không đúng năng lực, sở trường, trái chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo, bố trí cán bộ không đúng tầm…Điều này dẫn đến hệ lụy tiêu cực như gây ức chế, phản ứng của cán bộ, công chức, không khai thác, phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ dẫn đến không trọng dụng được người tài. Đặc biệt do không công tâm, khách quan trong công tác cán bộ mà nhiều nơi dẫn đến tình trạng cục bộ địa phương, dòng họ, gia đình trị đã kéo bè, kéo cánh, trục lợi theo kiểu lợi ích nhóm… gây bức xúc rất lớn trong quần chúng nhân dân.
Thiết nghĩ, để trọng dụng được những người có đức, có tài, có phẩm chất chính trị tốt, trước hết cần quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ một cách khách quan, công tâm dựa theo năng lực của từng người. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác tuyển chọn cán bộ thông qua thi tuyển, dựa vào kết quả học tập, công tác, đặc biệt là khả năng, uy tín của cán bộ, công chức đó đối với công việc, đối với cấp dưới và đối với nhân dân.
Bên cạnh đó, một tiêu chí không thể bỏ qua là phẩm chất đạo đức, lối sống hàng ngày của những người đó để sắp xếp, bố trí vị trí công tác tránh tình trạng tùy tiện, thiếu công bằng, khách quan như đã xảy ra ở một số nơi thời gian qua.
Có như vậy, mới lựa chọn, sử dụng được những người có đức, có tài giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khi nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức khi hội nhập sâu rộng vào đời sống chính trị của thế giới.