Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bạc Liêu, từ nhỏ, Phạm Trí Tâm đã nuôi ước mơ sau này lớn lên sẽ thi vào ngành Công an. Song, số phận trớ trêu đã đẩy cuộc đời gã rẽ sang một hướng khác, lam lũ và vô số những tủi hờn.
Phải khó khăn lắm và cũng nhờ một phần vào may mắn, Tâm mới thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. Nhưng cũng từ đó, bi kịch của cuộc đời gã bắt đầu...
Tuổi thơ lầm bụi
Ngồi trong khuôn viên Trại giam Thủ Đức, Phạm Trí Tâm say sưa kể về cuộc đời mình, một cuộc đời đầy nỗi bi ai. Trong giọng nói, cử chỉ, ánh mắt của người đàn ông xấp xỉ tứ tuần ấy, người ta dễ dàng bắt gặp cảm giác đau đớn, ân hận, day dứt, tiếc nuối đến tột cùng. Tâm bảo, từ khi được đưa về đây cải tạo, chưa bao giờ gã có được một giấc ngủ ngon lành. Bởi, mỗi khi bóng đêm choán lấy không gian, gã lại bị dày vò bởi những sai lầm trong quá khứ...
Trước kia, do ông bà nội là những người biết vun vén, làm ăn nên gia đình Tâm cũng được xét vào hàng bề thế. Nhưng rồi chẳng may một trận hỏa hoạn đã xảy ra, của nả của cả gia đình Tâm đều tan theo đụn khói. Nhưng điều đau đớn hơn là ông và bà nội Tâm đều thiệt mạng trong đận đó. Không chịu nổi cú sốc quá lớn của cuộc đời, bố Tâm rũ áo ra đi, bỏ lại hai mẹ con gã bơ vơ bên đống tro tàn. Lúc đó, Tâm mới tròn một tuổi. Chỗ dựa lớn nhất của phận đàn bà bị trốc gốc, loay hoay không biết làm gì ở xứ sở xa lạ, mẹ dắt Tâm lần mò về ở với ông bà ngoại.
Phạm nhân Phạm Trí Tâm: “Bao giờ mãn hạn, tôi sẽ đến dập đầu tạ lỗi với bố mẹ và ông Hưng...”
Gọi là có chốn tựa nương, thế nhưng do gia cảnh của ông bà ngoại của chả có gì làm dư giả nên mẹ Tâm phải làm đủ thứ việc để kiếm sống qua ngày. Tuổi thơ khốn khó của Tâm trôi qua nặng nề như đám mây sũng nước. Song, những thiếu thốn về vật chất cũng làm Tâm khổ nhiều nếu so với việc sống thiếu cha. Mỗi khi nghe chúng bạn hỏi “Ba mày đâu?”, Tâm lại cảm thấy hờn tủi vô cùng. Rồi đến khi Tâm lên 7 tuổi, thì bố Tâm đột ngột trở về. Do vẫn còn oán giận, nên mẹ Tâm nhất định không chịu nối lại tình xưa. Sau đó, ông bà ngoại và cả Tâm đã phải mất rất nhiều công thuyết phục, mẹ mới đồng ý quay lại sống chung với bố.
Rồi một năm sau đó, em trai Tâm ra đời. Mẹ phải nghỉ làm, một mình bố Tâm chạy xích lô nuôi mấy miệng ăn, cuộc sống càng thêm khốn khó. Thời thế thay đổi, khách hàng chủ yếu đi xe ôm và taxi cho tiện, nên đồng tiền bố Tâm kiếm được ngày một ít. Ông đành nhận ruộng về cấy thuê và làm thêm nghề đánh cá. Hàng ngày, sau mỗi buổi đi học về, Tâm lại phụ giúp bố các công việc lặt vặt như làm cỏ, tát nước, đêm thì đi kéo lưới. Hôm nào đánh được nhiều, mẹ Tâm lại san bớt một phần cá đem đi đổi gạo. Cuộc sống cứ thế chảy trôi. Ngày ngày phải chứng kiến cha mẹ trần mình, lam lũ để nuôi hai anh em, Tâm thề sẽ quyết học thành tài.
Đổi đời nhờ “bố nuôi”
Ngay từ khi còn nhỏ, Tâm đã mơ ước sau này được làm Công an, thế nên sau khi học hết cấp 3, gã thi vào Đại học An ninh. Ngày đi thi, hành trang Tâm mang lên Sài Gòn chỉ là vài bộ quần áo với một triệu đồng mà mẹ gã đã phải vay mượn bà con lối xóm. Suốt những ngày sống trên thành phố, Tâm chỉ dám bỏ ra vài đồng để mua bánh mì, số tiền còn lại gã để dành trả tiền thuê trọ với tiền lộ phí để về quê. Và công sức bao năm “dùi mài kinh sử” của Tâm cuối cùng cũng có kết quả, gã trúng tuyển vào hệ trung cấp của Trường Đại học An ninh. Những ngày đó, cả gia đình Tâm ngập tràn trong hạnh phúc.
Tâm đang cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về
Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau khi biết được kết quả thi có mấy ngày thì Tâm nhận được thông báo là mình không thể được nhập học do trong gia đình có người đã từng làm việc cho chế độ cũ. Tin đến như tiếng sét ngang tai, Tâm gần như ngã khụy. Chán nản và thất vọng, suốt chuỗi ngày sau đó, gã vùi đầu vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với bạn bè. Nhiều lúc Tâm còn định tìm đến cái chết để giải thoát mình khỏi nỗi chán chường. Đúng lúc đó, có ông cậu từ trên thành phố về động viên Tâm lên Sài Gòn làm thuê cho khuây khỏa. Như người sắp chết đuối vớ được cọc, gã đồng ý mà không cần một giây suy tính.
Đầu năm 1998, Tâm lên Sài Gòn. Nhờ mối quan hệ của ông cậu, gã được nhận vào làm công nhân cho xưởng sản xuất đồ nhựa gia dụng của ông Khưu Văn Hưng. Do chăm chỉ, chịu khó lại cộng thêm bản tính thật thà, chẳng mấy chốc, gã được ông chủ tạo điều kiện cho đi học lớp kế toán rồi giao phụ trách toàn bộ việc xuất nhập hàng và sổ sách thu chi. Từ một anh bốc vác quèn, Tâm dần ngoi lên vị trí “dưới một người và trên cả trăm người” trong xưởng. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của gã cũng tăng lên. Thỉnh thoảng dư dả, gã còn gửi tiền về quê giúp bố mẹ trang trải cuộc sống hàng ngày với nuôi em trai ăn học.
Không chỉ giúp đỡ về phương diện công việc, ông Hưng còn đứng ra làm mối cho Tâm và đứa cháu gái xinh đẹp của mình là Khưu Thị H. Đến ngay đám cưới của Tâm, cũng một tay ông Hưng lo cho về mọi thứ, từ cơi trầu đám hỏi đến cỗ bàn đám cưới. Đối với Tâm, ông chả khác nào một người cha đầy ắp tình thương và trách nhiệm. Đến cả sau này, Tâm vẫn không dám tin ở trên đời lại có một người đối tốt với mình đến thế. Nhờ sự cưu mang không mảy may tính toán của ông Hưng, Tâm từ một thanh niên nông thôn tay trắng đã có gần như tất cả chỉ trong có vài năm. Cuộc đời của gã coi như thế cũng là đã đủ đầy.
Thế nhưng, ở đời cũng ít ai học được chữ ngờ. Sau khi lấy nhau được một thời gian, vợ Tâm sinh con trai và phải nghỉ làm, mọi lo toan trong gia đình đổ dồn lên đầu gã. Cũng trong khoảng thời gian đó, Tâm thường xuyên bị đau ốm, phải vào viện liên miên, nhất là thời điểm gã bị tai nạn gãy chân, bao nhiêu tiền bạc mà hai vợ chồng tích cóp được đều lần lượt đội nón ra đi. Chẳng mấy chốc cái gia đình nhỏ ấy lâm vào bế tắc. Vì đã trót nhờ vả quá nhiều, nên lúc đó Tâm không dám hé răng than phiền nửa lời với ông Hưng, gã đêm ngày suy tính cách kiếm tiền để thoát nghèo.
Cờ bạc dẫn lối vào tù
Biết hoàn cảnh của Tâm, mấy người bạn liền rủ gã hùn tiền nuôi tôm sú. Dù chả có chút ít hiểu biết gì về nghề này, nhưng do không còn phương án nào khả thi hơn, nên Tâm đồng ý. Gã bắt đầu chạy vạy khắp nơi để vay vốn rồi đưa cho bạn. Vụ đó trúng lớn, Tâm tiếp tục dùng toàn bộ số tiền mình được chia để đầu tư vào vụ tiếp theo. Thế nhưng, ông trời không chiều lòng người mãi. Liên tiếp vụ thứ 2, thứ 3, rồi thứ 4, tôm của Tâm đều dính dịch bệnh mà chết trắng đầm, bao nhiêu ước vọng đổi đời của gã tan theo bọt nước.
Số tiền vay nợ lãi mẹ đẻ lãi con, chẳng mấy chốc nó khiến Tâm chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ rùng mình. Lấy đâu để lấy tiền trả nợ? Câu hỏi đó hối thúc Tâm hàng đêm, khiến tâm trí gã bắt đầu bấn loạn. Rồi cũng trong một đêm rối bời như thế, Tâm chợt nhớ đến một người bạn làm nghề “cò” cá độ ở trường đua Phú Thọ. Ngay sáng sau, gã xin nghỉ làm buổi sáng để đi tìm bạn. Dù biết cờ bạc luôn dẫn con người ta đến con đường khuynh gia bại sản, thậm chí tan cửa nát nhà, nhưng Tâm vẫn quyết đeo đuổi cho bằng được. Nhưng muốn theo thì phải có tiền.
Nhờ được giao quản lý toàn bộ việc xuất nhập khẩu, cộng với sổ sách thu chi của xưởng nhựa nên Tâm đã “dùng tạm” một số tiền của các khách hàng trả cho ông Hưng để chơi cá độ. Mỗi lần ông Hưng hỏi, gã đều trả lời là chưa thu được. Ban đầu, mỗi lần Tâm chỉ dám “xà xẻo” vài triệu, nhưng sau những trận thua triền miên, số tiền đó dần lên đến hàng chục, hàng trăm triệu. Thực chất lúc bấy giờ, ngay cả bản thân Tâm cũng không ước đoán được mình đã “thụt két” của “bố nuôi” số tiền cụ thể là bao nhiêu, chỉ biết rằng khoảng trên dưới một tỷ đồng. Để hợp thức hóa giấy tờ, nhiều lần Tâm còn giả cả chữ ký của khách hàng và của ông Hưng.
Cái kim trong bọc giấu mãi cũng phải lòi ra, trong một lần khách gọi điện đến giục giao hàng, qua trao đổi, ông Hưng mới biết được những việc làm sai quấy của đứa “con nuôi”. Tức giận vì lòng tin của mình bị chà đạp, ông Hưng liền trình báo với công an. Tâm bị “mời” đến làm việc ngay sau đó. Nhưng cũng chính ông Hưng lại mở lòng với Tâm một lần nữa bằng cách bảo lãnh cho gã trở về. Ông bảo: “Thôi, tiền cờ bạc mất cũng chả có cách nào lấy lại được, con về lo mà tu chí làm ăn. Tiền của xưởng thì trả dần bằng cách trừ vào lương cũng được...”. Trước tấm lòng bao dung của “bố nuôi”, Tâm chỉ biết khóc ròng.
Song, vợ ông Hưng lại quyết phải đòi truy xét đến cùng. Bà làm đơn ra Công an thành phố, Tâm bị bắt. Cuối năm 2007, Tâm bị đưa ra xét xử, khi nghe HĐXX tuyên phạt 14 năm tù, Tâm gần như ngã khụy. Những giọt nước mắt ân hận đã lăn dài trên gương mặt tái dại vì sợ của gã, nhưng tất cả đã muộn màng. Sau đó, Tâm được đưa về cải tạo tại Trại giam Thủ Đức. Thời điểm đó, gã đã từng bị báo chí và dư luận đóng đinh với danh xưng chả mấy tự hào: “Siêu lừa đất Bạc Liêu”.
Cánh cửa trại giam khép lại sau lưng, tưởng như tương lai bị đóng chặt, thế nhưng bằng nghị lực và ý chí của mình, Tâm đã biết rũ bỏ quá khứ để đứng dậy quyết tâm làm lại cuộc đời. Gã bảo: “Giá như tôi không mải mê đuổi theo những ảo vọng phù vân thì đâu đến nỗi. Giờ, cha mẹ thì phải chịu trăm nghìn điều tiếng, còn vợ con tôi cũng vì không chịu nổi cú sốc đó mà đã dắt díu nhau đi. Mới đây, tôi đã làm xong thủ tục ly hôn với cô ấy. Sau những lầm lỡ và sa ngã của tuổi trẻ, giờ tôi đã đã nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống nên quyết tâm cải tạo. Nhất định khi mãn hạn tù, việc đầu tiên tôi làm là đến dập đầu tạ lỗi với ông Hưng, bố mẹ và vợ con tôi. Bởi vì tôi mà họ đau đớn đã quá nhiều...”.