Lợi nhuận của các ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ khởi sắc hơn, khi điều kiện kinh doanh đang được cải thiện đáng kể.
6 tháng đầu năm 2013: Tình hình các ngân hàng ảm đạm
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhìn chung khá ảm đạm. Tăng trưởng lợi nhuận chỉ diễn ra ở một số ít ngân hàng, trong khi đó phần lớn đều có kết quả thụt lùi. Nguyên nhân chính khiến cho kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng đi xuống trong 6 tháng đầu năm chủ yếu xuất phát từ:
Thu nhập từ lãi không được như mong đợi. Đây là kết quả của việc tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tiếp tục chậm chạp, thậm chí là suy giảm đáng kể. Trong khi đó, áp lực chi phí lãi phải trả gia tăng khi tốc độ tăng trưởng huy động vẫn phải duy trì ở mức cao trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải chấp nhận thu hẹp tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) để kích thích đà tăng trưởng của tín dụng.
Nợ xấu tiếp tục gia tăng. Hầu hết các ngân hàng đều đang tập trung vào việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua, một phần là để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn từ trái phiếu đặc biệt của VAMC. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013, có thể thấy nợ xấu của hầu hết các ngân hàng vẫn không ngừng gia tăng.
6 tháng cuối năm: Lợi nhuận sẽ hồng hào hơn?
Mặc dù vẫn đang phải chịu nhiều khó khăn, nhưng nhiều khả năng lợi nhuận của các NHTM trong những tháng cuối năm 2013 sẽ khởi sắc hơn với một số nguyên do:
Tăng trưởng tín dụng đã cải thiện trong nửa cuối năm 2013. Hoạt động tín dụng đã có dấu hiệu bắt đầu khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm 2013. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 18/9, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 5.83% so với cuối năm 2012, tăng cao hơn so với 9 tháng đầu năm 2012 (ở mức 2.52%); trong đó, tín dụng bằng VNĐ tăng 9.98% và tín dụng ngoại tệ giảm đến 13.05%.
Yếu tố mùa vụ. Hoạt động tín dụng những tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ thuận lợi hơn khi thị trường bước vào mùa vụ sản xuất quan trọng trong năm. Đây luôn là thời điểm các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng cần vốn để đảm bảo sản xuất và là cơ hội để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng.
Đáng chú ý, lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng nhẹ trở lại trong thời gian qua nhằm thu hút tiền gửi tiết kiệm, sau một thời gian liên tục đi xuống. Đây là tín hiệu khá tích cực cho thấy các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho hoạt động tín dụng cuối năm và có khả năng kết quả kinh doanh sẽ thuận lợi hơn.
VAMC giúp giải quyết một phần nỗi lo trích lập dự phòng nợ xấu. VAMC đã chính thức triển khai việc mua nợ xấu của các ngân hàng.
Việc bán nợ xấu cho VAMC sẽ giúp cho các ngân hàng: Thứ nhất, làm đẹp tỷ lệ nợ xấu của mình. Thứ hai, mặc dù vẫn phải trích lập dự phòng cho lượng nợ xấu bán đi nhưng tỷ lệ trích lập chỉ đừng ở mức 20% mỗi năm (tính trên tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành cho VAMC). Như vậy, áp lực trích lập dự phòng nợ xấu của các NHTM sẽ giảm đi một phần. Thứ ba, các NHTM sẽ dùng trái phiếu đặc biệt này để xin tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, và không quá khó hiểu khi các NHTM đang đổ xô đi bán nợ xấu cho VAMC.
Lạm phát năm 2013 sẽ được giữ ở mức 7%. Chính phủ cho biết sẽ kiềm chế mức tăng của lạm phát trong năm 2013 ở mức 7%. Điều này sẽ giúp cho chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì. Bên cạnh đó, đây cũng là bước đệm giúp tiến trình mua bán nợ xấu của VAMC được diễn ra nhanh hơn.
Dù đang có được sự thuận lợi, nhưng giới đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng cần lưu ý:
(1) Nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm dù tăng nhưng nhiều khả năng sẽ không quá mạnh, khi sức tiêu thụ của thị trường đã sụt giảm đáng kể.
(2) Bên cạnh việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp, để tăng trưởng tín dụng các NHTM đã đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng trong thời gian qua, đặc biệt là cho vay tín chấp. Đây có thể là rủi ro nợ xấu tiềm ẩn trong thời gian tới đây.
Duy Nam