Ngân hàng

Lợi nhuận các ngân hàng nhỏ giảm mạnh

Trang Nhi 01/09/2023 - 09:17

Nhìn vào kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng, phần lớn các ngân hàng nhỏ đều đạt lợi nhuận khá thấp, có ngân hàng giảm lợi nhuận hơn 60%, thậm chí gần 90% so với cùng kỳ.

Cụ thể, tại ngân hàng BVBank, lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2023 chỉ đạt 13 tỷ đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022, mặc dù dư nợ tín dụng đạt gần 53.900 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2022, thuộc nhóm các ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tốt.

loi-nhuan-cac-ngan-hang-nho-giam.jpg
Lợi nhuận các ngân hàng nhỏ giảm mạnh

Trong khi đó, với ABBank, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 là 52,5 tỷ đồng, nhưng giảm đến 94%; lũy kế 6 tháng đầu năm nay hơn 541 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn tại BacABank, lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 là 139 tỷ đồng, giảm 58,6% so với quý 1 và giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận 380,3 tỷ đồng, giảm đến 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, các ngân hàng như VietBank, VietABank, BaoVietBank… lợi nhuận cũng giảm từ 7% trở lên. Thống kê của NHNN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 4,03%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9,35% cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, sở dĩ lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm mạnh là do khó khăn chung của nền kinh tế, dẫn đến hấp thụ dòng vốn thấp, biên lãi ròng thu hẹp và nợ xấu tăng, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tăng.

Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng hiện đang giảm liên tục, giúp lãi suất cho vay của các ngân hàng gần như trở về mức trước đại dịch COVID-19. Thế nhưng, dòng vốn vẫn không được các doanh nghiệp hấp thụ do vướng phải vòng “luẩn quẩn” nợ xấu, không có tài sản đảm bảo, không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, khó chứng minh được dòng tiền… và cuối cùng vẫn không đủ điều kiện để vay.

Một trong những yếu tố lớn tác động đến triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng là tăng trưởng tín dụng. Bởi hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng dám đẩy mạnh cho vay do tỷ lệ nợ xấu đang vượt lên trên 3%. Theo đó, các ngân hàng đang có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng sẽ duy trì đà tăng để tiến tới xóa nợ xấu và kéo giảm nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2023.

Để giảm áp lực nợ xấu cũng như để khơi thông dòng vốn nền kinh tế, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh vào chính sách tài khóa nhiều hơn. Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công không được như kỳ vọng, trong khi đó chính sách tiền tệ hiện gần như đang bão hòa.

Mặt khác, NHNN không nên giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới vì việc này có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Bởi thông thường, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, với liều thuốc chính sách tiền tệ, đủ là tốt nhưng quá liều sẽ có tác dụng phụ, đó là rủi ro lạm phát, tỷ giá. Do đó, nên kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá dù phải hy sinh tăng trưởng, có như vậy nên kinh tế mới có thể tăng trưởng ổn định hơn, dòng tiền kinh tế mới dần lưu thông và “nút thắt” tín dụng mới dần được tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi nhuận các ngân hàng nhỏ giảm mạnh