Các tình huống và giải pháp đối phó với gian lận được đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Công an và các tỉnh thành thảo luận kỹ trong cuộc họp sáng nay, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Tại hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 8/6, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, cho biết năm nay toàn tỉnh có gần 19.900 thí sinh dự thi tại 35 điểm. Hiện, tỉnh gần như hoàn tất chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, ông vẫn có nhiều băn khoăn, trong đó có việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận.
Theo ông Hùng, tình trạng này ngày càng phức tạp. Cán bộ coi thi dù đã được tập huấn vẫn khó phát hiện các gian lận tinh vi. Ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an đưa ra dự báo, hướng dẫn trước những tình huống có thể xảy ra.
Đại diện ngành giáo dục Hà Tĩnh cũng chia sẻ lo lắng tương tự. Đặc biệt năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, thí sinh vẫn đeo khẩu trang. Vật dụng này có thể khiến việc đưa thiết bị thu phát vào phòng thi dễ dàng hơn.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an), nhận định lo lắng của các địa phương là có cơ sở bởi tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang vẫn tồn tại và sự gian lận bằng thiết bị công nghệ cao vẫn xuất hiện ở các kỳ thi.
Ông Mạnh lấy ví dụ năm 2021, công an phát hiện một vụ gian lận bằng thiết bị công nghệ cao với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thiết bị đa dạng và thủ đoạn tinh vi. 23 người đã bị bắt dịp đó.
Trong sự việc này, quy trình gian lận được tính toán kỹ. Thí sinh sử dụng camera cúc áo (gắn trên áo như một chiếc cúc) để quay chụp đề thi, sau đó đưa hình ảnh đề ra ngoài qua thiết bị trung gian. Khi đề được giải xong, đáp án sẽ được truyền vào qua tai nghe hạt đậu. Các thiết bị này đều rất nhỏ khiến cán bộ coi thi khó phát hiện.
Cơ quan chức năng nhận thấy cơ bản các thiết bị phát sóng điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu trong khoảng cách 20-25 m nên đã cảnh báo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ yêu cầu các địa phương đảm bảo khoảng cách này giữa phòng thi và nơi bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh.
Theo quy chế, thí sinh có thể mang vào các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp. Việc này nhằm để thí sinh có thể giám sát sự nghiêm túc, khách quan trong phòng thi.
Tuy nhiên, ông Mạnh đề xuất không cho thí sinh mang các thiết bị đó vào vì khó đánh giá thiết bị có truyền, nhận được thông tin hay không. Không chỉ cán bộ coi thi, ngay cả chuyên gia cũng khó phát hiện.
Ông Mạnh kiến nghị Bộ Giáo dục và các địa phương tăng cường tuyên truyền quy chế trước kỳ thi; đặc biệt nhấn mạnh việc để lọt, lộ đề, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương cần bố trí địa điểm phù hợp, chẳng hạn phòng thi không nên gần nhà dân bởi đối tượng gian lận có thể lắp thiết bị công nghệ cao ngay trong nhà thay vì tại điểm thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong hai ngày 7-8/7. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra đến tất cả địa phương. Trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các trường đại học. Các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra mọi khâu nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi năm nay được tổ chức cơ bản giống năm ngoái, theo phương thức cũ nhưng phụ huynh, học sinh lại "mới". Bởi vậy, các đơn vị cần cùng nhau xem xét tất cả điều kiện liên quan đến kỳ thi để mọi việc diễn ra tốt nhất.