“Lỗ hổng pháp lý” trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu qua biên giới

PV| 30/01/2016 07:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm gần đây, mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong kết quả đấu tranh là do hệ thống các quy định của pháp luật về đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại ở nước ta chưa thực sự hoàn thiện.

Tại khoản 2, Điều 6, Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 của liên Bộ quy định về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Quy định này bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng bằng cách xuất hóa đơn hợp thức hóa hàng lậu. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu mua lại của các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh chỉ cần có hóa đơn bán hàng của bên bán là đủ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc cấp và quản lý hóa đơn bán hàng của ngành chức năng cho các hộ kinh doanh cũng còn thiếu các quy định chặt chẽ và chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên vẫn còn hiện tượng các đối tượng tùy tiện phát hành hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng lậu. Để khắc phục tình trạng trên, cần sửa đổi khoản 2 Điều 6, Thông tư liên tịch số 60  theo hướng mọi tổ chức, cá nhân khi mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu ra ngoài khu vực biên giới vì mục đích kinh doanh thì người bán phải đem bản gốc hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của lô hàng và hóa đơn xuất bán đến Chi cục Hải quan hoặc Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn đó để kiểm tra và xác nhận.

“Lỗ hổng pháp lý” trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu qua biên giới

Cơ quan chức năng thu giữ thuốc lá nhập lậu 

Tại khoản 2, Điều 4, Thông tư liên tịch số 60 nói trên về hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, theo đó đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bày bán, để tại kho, bến, bãi thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của cơ sở thì trong thời hạn 72 giờ, kể từ thời điểm kiểm tra hàng hóa, cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, phải xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tại thời điểm kiểm tra, nếu cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa thì cơ quan kiểm tra tiến hành tạm giữ hàng hóa để xác minh tính hợp pháp của hàng hóa. Như vậy, quy định như trên rất dễ tạo kẽ hở giúp đối tượng chủ đầu nậu có đủ thời gian để hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ cho hàng lậu nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm pháp lý.

Vì vậy, đối với hàng hóa nhập khẩu, hồ sơ, chứng từ kèm theo từng lô hàng, chuyến hàng lưu thông cũng như bày bán ở cửa hàng, kho bãi khi bị các lực lượng chức năng tạm giữ, kiểm tra mà chưa có hồ sơ nhập khẩu hợp pháp và hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật thì nghĩa vụ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa đó thuộc cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu và đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Một bất cập nữa là quy định về nhập khẩu hàng hóa theo hình thức chuyển cảnh tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có thể mở tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan trong nội địa. Do đó, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại có thể lợi dụng quy định này để hoạt động ngày càng mạnh.

Để khắc phục điểm hạn chế trong quy định này, cần sửa đổi Điều 17 của Nghị định số 154/2005/NĐ-CP theo hướng toàn bộ hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện các thủ tục Hải quan (kiểm tra, cho thông quan) tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu biên giới, trừ một số mặt hàng được nêu tại điểm a, b, d, đ, e, g khoản 3, Điều 18 Nghị định số 154/NĐ-CP.

Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 27/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009 tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, theo đó cư dân biên giới được mua hàng hóa qua biên giới miễn thuế nhập khẩu với số lượng lên tới 2.000.000 đồng/1 ngày/1 người. Với những quy định đó, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã lợi dụng triệt để thu gom hàng hóa và hợp thức hóa bằng việc xuất hóa đơn để thẩm lậu vào Việt Nam.

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tại Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg theo hướng giảm số lần nhập khẩu hàng hóa trong tháng được miễn thuế, điều chỉnh loại mặt hàng trao đổi, mua bán của cư dân biên giới được miễn thuế cho phù hợp với từng thời kỳ, từng khu vực, tăng cường sự kiểm soát, quản lý thu thuế đối với trường hợp vượt định mức, thu gom và chế độ xử phạt khi vi phạm, có chế độ hóa đơn riêng đối với hàng mua miễn thuế của cư dân biên giới.

Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, nhưng hệ thống các văn bản liên quan hướng dẫn thi hành chưa được ban hành dẫn đến một khoảng trống pháp lý gây nhiều khó khăn cho các lực lượng thực thi. Chính vì vậy, các cơ quan ban ngành liên quan cần phải nhanh chóng nghiên cứu và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như có các quy định cụ thể theo hướng tạo điều kiện phương tiện, vật chất cho lực lượng chức năng tham gia đấu tranh tội phạm buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lỗ hổng pháp lý” trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu qua biên giới