Đại biểu Quốc hội, người đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân. Người trực tiếp tham bàn các vấn đề hệ trọng của đất nước. Tuy nhiên, những hành động của nhiều đại biểu tại kỳ họp Quốc hội đang khiến người dân quan ngại.
Toàn cảnh hội trường họp Quốc hội
Trước hết là sự kiện những phát ngôn của đại biểu Đỗ Văn Đương và Hoàng Hữu Phước. Ông Đương khiến giới luật sư bức xúc, dọa kiện. Ông Phước thì thóa mạ đồng nghiệp. Sau đó là một loạt sự kiện liên quan rùm beng, ồn ĩ.
Không mạn đàm chuyện đúng sai của những phát ngôn ấy. Chỉ có điều, những sự kiện sau đó khiến các vấn đề nóng bỏng ở nghị trường bị sao nhãng. Những vấn đề quốc thái dân an nóng bỏng bị lu mờ bởi những sự kiện vô thưởng vô phạt ấy.
Chưa hết, Quốc hội vốn dĩ có quá ít thời gian nghị sự lại phải bỏ thời gian quý báu để giải quyết những tranh cãi khiếu kiện lẫn nhau. Đó không gì khác ngoài một sự lãng phí. Dù có chủ đích hay không, cách hành xử của đại biểu Quốc hội rõ ràng là đã đi lệch thiên chức của mình và kéo giảm chất lượng kỳ họp.
Một vấn đề khác, chất lượng của đại biểu được phản ánh rất rõ ràng qua những phiên thảo luận. Từ trực quan có thể dễ dàng nhận thấy không ít đại biểu chỉ biết cầm giấy để đọc, trong đó hầu hết nội dung chẳng có gì mới, thường chỉ là nhắc lại các báo cáo đã nêu trước đó, còn phần kiến nghị, đề xuất thì chung chung.
Thảo luận thiếu chất lượng của đại biểu khiến đại biểu Dương Trung Quốc phải thốt lên rằng: “Đại biểu vì thế cũng phát biểu dàn trải, đôi khi là từ “a đến z”, nói tất cả các vấn đề, nhưng không ra được vấn đề nào”.
Đến 70% ý kiến đại biểu thảo luận về kinh tế xã hội là phát biểu chung chung. Bắt đầu bằng thành tựu, rồi đến “tuy nhiên”, “bên cạnh đó”… và rồi một số đại biểu sẽ nói về ngành mình, địa phương mình như một nhu cầu tất yếu. Thậm chí có đại biểu còn rất mất thì giờ để nhắc lại mười mấy chỉ tiêu kinh tế xã hội.
Những người theo dõi sâu sát kỳ họp Quốc hội có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều đại biểu chỉ lên nghị trường với nhiệm vụ góp ý kiến cho địa phương mình. Sau những ý kiến nêu thực trạng, phân tích nguyên nhân, rất nhiều vị thường đề ra việc nên đầu tư cái này, đầu tư cái kia cho địa phương. Nói không quá, đó cũng có thể xem là một ví dụ của tư duy cục bộ. Đại biểu hầu như chỉ chăm chăm cho địa phương mình, có khi xuất phát từ tâm lý “chiều” cử tri khu vực mình mà ít hoặc không quan tâm đến vấn đề chung, vấn đề vĩ mô ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế xã hội đất nước. Với tư duy manh mún như thế, rất khó có thể mang lại hy vọng cho những giải pháp mang tính quốc sách.
Đáng buồn hơn cả với hiện tượng cứ đến mỗi kỳ họp Quốc hội, người dân lại ngớ người với những phát biểu “bất hủ”, những phát kiến rất "buồn cười" của các đại biểu. Kỳ họp lần này, những hiện tượng ấy nở rộ hơn trước. Có đại biểu còn đề nghị cần “luật hóa” việc đặt tên con (trái với điều 26 của Bộ luật dân sự năm 2005 về “Quyền đối với họ, tên”); rồi lại có đại biểu kiến nghị nên giảm bớt bóng đèn trên các con đường mới làm để... tiết kiệm điện. Có người đề nghị nên đưa quy định chỉ được đặt tên “thuần Việt” mà thật ra không thể định nghĩa “thế nào là thuần Việt?” Và bản thân tên của vị đại biểu đưa ra đề nghị này cũng có đến hai từ Hán - Việt, nghĩa là cũng không hề “thuần Việt” chút nào.
Thậm chí, có đại biểu còn làm cử tri “choáng” với phát biểu hùng hồn “Trên thế giới không có quốc gia nào quản lý bài bản như Việt Nam”...Những ví dụ sinh động như vậy nói lên rằng sự lo lắng của cử tri về chất lượng đại biểu là có cơ sở. Cần công nhận thực tế là có rất nhiều vị thiếu kiến thức cần thiết, chí ít là so với vai trò của mình.
Đại biểu Quốc hội là những yếu nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. Chất lượng đại biểu là yếu tố có tính chất tối quan trọng. Hơn ai hết, đại biểu phải là người nhận thức đúng vai trò của mình để tự bổ túc khả năng. Ở thời nào cũng vậy. Không thể đại diện cho ý chí của dân nếu không hội đủ năng lực và sự mẫn cán.