Triều Tiên tuyên bố sẽ cho tháo dỡ khu thử hạt nhân Punggye-ri trong tuần này với sự góp mặt của các nhà báo quốc tế đến đưa tin. Song liệu Triều Tiên thực sự có ý định giải trừ vũ khí hạt nhân?
Theo đó, bãi thử hạt nhân Punggye-ri nằm ở dãy núi phía đông bắc Triều Tiên là nơi chính quyền Bình Nhưỡng đã cho tiến hành 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Tuy nhiên, Triều Tiên cho hay các biện pháp kỹ thuật để tháo dỡ bãi thử Punggye-ri sẽ được hành vào ngày 23 - 25/5.
Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới hoan nghênh thông báo nói trên của Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng dòng tweet ngay sau thông báo rằng: "Triều Tiên đã đồng ý ngừng tất cả các thử nghiệm hạt nhân và đóng cửa một địa điểm thử nghiệm lớn. Đây là tin rất tốt cho Triều Tiên và thế giới - một tiến bộ lớn”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tin rằng, quyết định của Triều Tiên sẽ giúp cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù thông báo nói trên của Triều Tiên làm dấy lên hy vọng về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhưng vẫn còn quá sớm để biết được liệu Triều Tiên có thật lòng phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược như đòi hỏi của Mỹ và Hàn Quốc hay không. Hay mục đích sâu xa của Triều Tiên là nhằm giành được những nhượng bộ từ Hàn Quốc và Mỹ trong các hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Theo các chuyên gia, việc Bình Nhưỡng từ bỏ địa điểm thử nghiệm hạt nhân tại Punggyeri, bởi địa điểm này đã giúp Triều Tiên thử nghiệm thành công nhiều tên lửa đạn đạo. Do đó, địa điểm này cũng không còn giá trị sử dụng đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple, cũng tỏ ra nghi ngờ. Ông Dujarric nhận định, quyết định của Triều Tiên là một chiến lược đàm phán để đảm bảo sẽ có một hội nghị thượng đỉnh có lợi cho Triều Tiên. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến cán cân quân sự ở Đông Á.
Ông Jin Chang-soo, Chủ tịch của Viện Sejong nhất trí rằng, thông báo của Triều Tiên sẽ tạo bước đệm cho một Hội nghị thượng đỉnh giữa quốc gia này và Hàn Quốc, Mỹ trong thời gian tới. Còn quá sớm để nói rằng Triều Tiên thực sự muốn phi hạt nhân hóa.
Liệu Triều Tiên có “thật lòng” muốn giải trừ vũ khí hạt nhân?
Trên thực tế, về cơ bản, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết đóng cửa bãi thử Punggye-ri được xem là bước đi đầu tiên trong tiến trình cho dừng toàn bộ chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, mới đây, Triều Tiên đã cho hủy cuộc họp cấp cao với Hàn Quốc cũng như tuyên bố xem xét lại có hay không tiến hành họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6 tới.
Tuy nhiên, cho tới hiện tại, Bình Nhưỡng đã đồng ý cho phép các nhà báo nước ngoài và Hàn Quốc tới chứng kiến Triều Tiên cho đánh sập hệ thống đường hầm cùng các cơ sở quan sát ở bãi thử Punggye-ri để “minh bạch hóa” hoạt động giải trừ hạt nhân.
Song theo các nhà phân tích, không rõ các chuyên gia quốc tế có được Triều Tiên mời tới dự sự kiện quan trọng này hay không. Trong khi, các chuyên gia mới là người có thể đánh giá chính xác nhất chương trình giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cụ thể, nếu đại diện của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) được Triều Tiên mời tới dự sự kiện, họ mới có thể đưa ra được kết luận chính xác bãi thử Punggye-ri không còn khả năng làm nơi để Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
Ngoài ra, khi có mặt tại hiện trường, các chuyên gia CTBTO mới có thể đưa ra những đánh giá kỹ thuật cụ thể về việc khu thử hạt nhân đã bị phá hủy hoàn toàn. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng sẽ đảm bảo toàn bộ hệ thống đường hầm có thể được Triều Tiên sử dụng làm nơi thử hạt nhân cùng các cơ sở quan sát ở bãi thử Punggye-ri đã bị đánh sập.
Sau khi bãi thử Punggye-ri bị tháo dỡ, những hình ảnh vệ tinh sẽ được chính phủ các nước cùng giới chuyên gia độc lập dùng để đánh giá và theo dõi xem Triều Tiên có kế hoạch nối lại hoạt động thử hạt nhân hay không. Nhưng thực tế, hình ảnh vệ tinh cũng sẽ không có tác dụng trong trường hợp Triều Tiên cho mở cửa một bãi thử hạt nhân mới. Bởi quốc gia này có rất nhiều dãy núi đủ khả năng trở thành nơi để đào hệ thống đường hầm thử hạt nhân.
Cũng theo giới phân tích, việc Triều Tiên sẵn sàng phá bỏ bãi thử Punggye-ri phần nào chứng minh chương trình hạt nhân của quốc gia này đã đạt được những thành tựu đáng kể và không cần tiến hành thêm các vụ thử nghiệm để chứng minh khả năng. Việc đóng cửa bãi thử Punggye-ri mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình giải trừ hạt nhân hoàn toàn bởi chương trình phát triển vũ khí nhân của Triều Tiên không chỉ liên quan tới một bãi thử duy nhất.
Theo đó, Triều Tiên được cho có hàng loạt cơ sở giúp quốc gia này sản xuất được các nguyên liệu uranium và plutonium được làm giàu ở mức độ cao. Đây chính là nguồn nguyên liệu phân hạch phục vụ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
Như vậy, để chứng minh Triều Tiên hoàn toàn giải trừ hạt nhân, các quan sát viên quốc tế sẽ cần được tiếp cận mọi cơ sở hạt nhân còn lại của chính quyền Bình Nhưỡng. Nếu như không có sự giám sát của các chuyên gia quốc tế, chuyện Triều Tiên tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân chỉ còn là vấn đề thời gian.