Liều thuốc tái cơ cấu

Theo Báo Người tiêu dùng| 31/12/2015 09:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kết quả tích cực của tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu chính là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2015 của Chính phủ.

Thời điểm “tống cựu” 2015 và chuẩn bị “nghinh tân” 2016 cũng là lúc cần nhìn lại toàn bộ quá trình tái cơ cấu này đã được hình thành và thực thi triệt để như thế nào.

Ông Lê Trọng Nhi, một Chuyên gia Ngân hàng từng cho biết, Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với tên gọi Đề án 254 được triển khai từ năm 2011 là một bản đồ chỉ đường rất rõ ràng và chi tiết cho chương trình “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”. Đồng thời, nó cũng đánh dấu thời điểm Chính phủ “chấp nhận” chấm dứt những tháng năm dài của những “do dự và tranh luận” về những nỗi lo ngại về sự cố đổ vỡ hàng loạt các tổ chức tín dụng vì những khoản nợ xấu rất lớn đã được hình thành trong hệ thống qua một thời gian dài và đặc biệt trong suốt hơn 5 năm với tình trạng lạm phát cao.

Liều thuốc tái cơ cấu
Ảnh minh họa.

Những “do dự và tranh luận” này đã được chuyển hóa mạnh mẽ và thay thế bằng những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn trước một sự đổ vỡ có tính hệ thống và cứu nền kinh tế ra khỏi con bệnh lạm phát đã thành kinh niên.

Cần nhắc lại, theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 31/3/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã lên tới 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là 125.800 tỷ đồng, chiếm 10,37% dư nợ cấp tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước; nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 60.900 tỷ đồng, chiếm 5,8% dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Như vậy, tại sao phải có Đề án 254 và bản chất thật của vấn đề là gì? Câu trả lời của Chuyên gia Lê Trọng Nhi trên rất đơn giản và chỉ xoay quanh cụm từ nợ - nợ xấu - nợ bẩn.

Theo đó, nợ tự nó không phải là một từ ngữ hoặc một khái niệm xấu trong quan hệ tín dụng, tiền tệ bình thường và trong một môi trường kinh tế lành mạnh. Nợ chỉ trở thành nợ xấu khi nó bị sự cố trong những hoạt động kinh doanh bị trắc trở một cách khách quan. Rồi nợ sẽ trở thành nợ bẩn khi nó là sự cấu kết với mục tiêu bất chính. “Nợ bẩn là một thực tại và đang tồn tại trong hệ thống. Nếu thật sự muốn xử lý những rối bời và nhức nhối của nợ bẩn, không còn sự lựa chọn nào khác là chúng ta phải ghi nhận nó và nhanh chóng thực hiện giải pháp “tổng vệ sinh” nó”, ông Nhi khẳng định.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một điểm sáng được hầu hết các vị đại biểu nhắc tới nhiều là quá trình tái cơ cấu ngành Ngân hàng. “Ngành Ngân hàng tiếp tục là điểm sáng trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Có thể đánh giá, NHNN đã thành công trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, đảm bảo ổn định được thị trường vàng, thành công trong kiểm soát lạm phát, kéo được lãi suất xuống thấp và ổn định, tỷ giá hối đoái khá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng tốt”, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP.Cần Thơ) nói.

Một trong những vấn đề được các đại biểu ghi nhận đó là tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vai trò của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nhờ đó, đến ngày 30/11/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra 3%. Nợ xấu được xử lý đã khơi thông dòng tín dụng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần giúp nền kinh tế trên đà phục hồi tích cực.

Những kết quả đạt được cho thấy năm nay tiếp tục là một năm thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, góp phần quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cả năm ở mức thấp chỉ khoảng 1- 2%, đánh dấu thời kỳ ổn định lạm phát dài nhất trong một thập kỷ qua, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5% là mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Những thành công đó có được chính nhờ liều thuốc mạnh nhưng rất hiệu quả - liều thuốc tái cơ cấu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liều thuốc tái cơ cấu