Lãnh đạo châu Âu tỏ ra “phấn khởi” khi Đảng trung hữu của Thủ tướng Mark Rutte trên đà giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 15/3. Liệu thắng lợi đó có phần nào xoa dịu được những căng thẳng đang tồn tại ở châu Âu?
Với cách biệt đáng kể, đảng cánh hữu tự do VVD của đương kim Thủ tướng Mark Rutte đã thắng đậm đảng cực hữu của chính khách dân túy Geert Wilders trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan và lần thứ ba trở thành chính đảng mạnh nhất Hà Lan.
Cách đây vài tuần, thủ lĩnh cực hữu Geert Wilders vẫn còn dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Thế nhưng, đương kim Thủ tướng Mark Rutte đã bứt phá ngoạn mục với sự giúp đỡ của hai chính khách dân túy luôn chửi rủa ông, đó là Geert Wilders và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Có thể nói, Thủ tướng Mark Rutte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan một phần nhờ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan càng chửi rủa Hà Lan dữ dội bao nhiêu, thì cử tri càng tụ tập xung quanh Thủ tướng Mark Rutte bấy nhiêu.
Trong khi đó, Thủ tướng Rutte cũng đã xử lý cuộc khủng hoảng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ một cách rất khôn khéo và chuyên nghiệp. Ông không ngại giơ “thẻ đỏ” phạt các quan chức ở Ankara. Sau đó lại dàn hòa một cách tế nhị nhưng rất kiên quyết. Thay vì “ăn miếng trả miếng” đồng đẳng với Tổng thống nổi khùng Erdogan, ông Rutte đã mời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đi ăn và đã được chấp nhận.
Đặc biệt, trong cuộc tranh luận cuối cùng với thủ lĩnh cực hữu Geert Wilders ngày 13/3, Thủ tướng Mark Rutte đã dồn đối thủ đến tận chân tường với thái độ rất điềm tĩnh nhưng rất sắc sảo thực tế. Các cử tri Hà Lan đã đánh giá cao phẩm chất lãnh đạo này và đua nhau dồn phiếu ủng hộ ông.
Thủ tướng Mark Rutte đã thắng đậm đảng cực hữu của chính khách dân túy Geert Wilders trong cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan
Cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan lần này được coi là phép thử về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và tâm lý chống lại giới chính trị cầm quyền hiện nay, trước thềm hai cuộc bầu cử quan trọng khác diễn ra trong năm nay tại Pháp (vào cuối tháng 4, đầu tháng 5) và cuộc tổng tuyển cử ở Đức (vào tháng 9 tới).
Cho đến giờ, cuộc đối đầu giữa đảng tự do trung hữu của đương kim Thủ tướng Mark Rutte và đảng chống nhập cư của Geert Wilders đã đi đến hồi kết và xu hướng dân túy cực hữu vẫn chưa lựa chọn của quốc gia này.
Dù kết quả chính thức đến ngày 21/3 mới được Ủy ban bầu cử Hà Lan công bố, song kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng VVD của Thủ tướng Mark Rutte dự kiến giành được 32 ghế trong Hạ viện 150 ghế. Về thứ hai là đảng “Lời kêu gọi Dân chủ Cơ đốc giáo” (CDA), được 20 ghế. Đảng cực hữu PVV và đảng “Những người Dân chủ 66” (D66) cùng đứng thứ 3 với 19 ghế. Tiếp theo là đảng Cánh tả Xanh, 16 ghế và đảng Xã hội chủ nghĩa (SP) 14 ghế.
Theo giới phân tích, một trong những lý do giúp đem lại chiến thắng cho ông Rutte, đó là tỷ lệ cử tri Hà Lan tham gia bỏ phiếu khá cao, tới 81%, mức cao kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ qua. Trong đó, tỷ lệ cử tri trẻ, vốn phản đối chính sách chống nhập cư và ủng hộ liên kết EU, chiếm tỷ lệ rất cao, nên đã gây bất lợi cho ông Wilder.
Với kết quả nói trên, đảng VVD sẽ giành quyền đứng ra thành lập liên minh cầm quyền mới, và Thủ tướng Rutte gần như chắc chắn sẽ tiếp tục giữ chức nhiệm kỳ thứ ba. Các đối tác mà đảng VVD có thể lựa chọn liên minh là đảng CDA và D66, cùng với một đảng khác thuộc phe cánh tả.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã sớm gửi thông điệp chúc mừng ông Mark Rutte về kết quả này. Trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chúc mừng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte giành được “chiến thắng cách biệt” và đánh giá đây là một “cuộc bầu cử cho châu Âu, chống lại các thành phần cực đoan.”
Còn Thủ tướng Angela Merkel gọi cử tri Hà Lan là “những nhà vô địch”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thì gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Mark Rutte và nhấn mạnh kết quả nói trên đã dập tắt sự trỗi dậy của phe cực hữu, đồng thời phản ánh mong muốn của cử tri Hà Lan về một "châu Âu mạnh mẽ hơn".
Mặc dù, Hà Lan chỉ có dân số 17 triệu, tương đương khoảng 1/4 so với dân số Pháp và 1/5 so với Đức, cuộc bầu cử ở Hà Lan cũng chỉ là một trong 3 cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong năm nay ở châu Âu, nhưng nó thu hút sự quan tâm đặc biệt, bởi đây được coi là thước đo mức độ ủng hộ các chính đảng và các nhân vật có quan điểm cực hữu ở cả châu Âu.
Và kết quả nói trên ở Hà Lan đã giúp xoa dịu mối lo ngại, về xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ sau khi Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU) và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Kết quả cuộc bầu cử ở Hà Lan cũng phần nào giải tỏa được mối lo về sự "lên ngôi" của tâm lý hoài nghi chán ghét châu Âu.
Trong phát biểu đầu tiên sau khi có kết quả sơ bộ, Thủ tướng Mark Rutte khẳng định “cử tri Hà Lan đã nói "Không" với chủ nghĩa dân túy kiểu sai lầm và lựa chọn những chính sách đã giúp nền kinh tế của Hà Lan phát triển mạnh mẽ".
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả cũng cho thấy thách thức không nhỏ đối với chính quyền mới của Hà Lan khi mà sự chia rẽ đang ngày một lớn. Giới phân tích cho rằng quá trình thương lượng thành lập chính phủ mới có thể kéo dài hàng tháng.
Trong khi đó, châu Âu vẫn phải đương đầu với những thách thức khi tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, bất bình đẳng xã hội chưa thể giải quyết, làn sóng nhập cư ồ ạt kéo theo những vấn đề về an ninh và xã hội... đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để tâm lý bất mãn đối với các chính phủ gia tăng. Bởi vậy, nguy cơ của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu vẫn chưa thể loại trừ.