Thời gian gần đây, người dân cả nước liên tục bàng hoàng và phẫn nộ trước những vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên cả nước. Những hình ảnh dã man và thương tâm cho thấy một thực trạng nhức nhối về tình trạng bạo hành con trẻ.
Hàng loạt vụ bạo hành trẻ em chấn động dư luận
Mới đây, ngày 6/12, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên người Việt, bạo hành dã man một bé trai mới chỉ 3 tuổi bằng kẹp giấy, roi điện. Ngay sau khi đoạn video này xuất hiện trên mạng xã hội, rất nhiều người đã bức xúc, lên án hành vi của nam thanh niên.
Bé trai 2 tuổi đang bị bạo hành
Người thanh niên trong clip tên là Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê ở An Giang). Được biết, Dũng có thời gian làm việc tại các quán bar ở khu phố Tây - Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM. Dũng có quan hệ với một doanh nhân Hà Lan, một nhà đầu tư nông nghiệp sống ở Việt Nam và Campuchia chuyên trồng ca cao, chuối, thốt nốt, bơ và đang triển khai xây dựng nhà máy làm chocolate, do vậy Dũng thường về đồn điền của doanh nhân này ở Campuchia.
Khi xem xong clip này ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội) cho rằng, đây là hành động dã man, tàn khốc và không thể chấp nhận được.
“Xem xong những hình ảnh này tôi vô cùng bức xúc, căm hận và ám ảnh đối với người thanh niên này. Họ ra tay đánh đập một cháu bé mới 2 tuổi, lại không mặc quần áo như vậy là quá dã man”, ông An bức xúc.
Ông An cho rằng, thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những vụ bạo hành trẻ em, trong đó có nhiều sự việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. “Đối với những người ra tay hành hạ trẻ em dù là ai và dùng cách nào thì họ cũng không còn là con người nữa”.
Trước đó, sáng 7/10, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một cháu bé nằm trên giường với những vết thương thâm tím ở phần mông khiến nhiều người không khỏi xót xa. Theo người đăng tải hình ảnh này, vết thương của cháu bé là do người bố có tên Tạ Văn Linh (trú tại thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) gây ra. Danh tính của cháu bé được xác định là Tạ Văn Long (13 tuổi, con trai anh Linh).
Nhìn vết thương trên mông cháu Long, nhiều người tỏ ra bức xúc và phẫn nộ trước hành động của người cha. “Không hiểu vì sao người làm cha lại có thể đánh một đứa nhỏ ra nông nỗi này. Người ngoài nhìn còn xót xa mà bản thân là máu mủ của mình lại đành lòng như thế. Quá tội cho đứa trẻ sinh ra trong gia đình như thế", một người bình luận.
Nhìn vết thương trên mông cháu Long, nhiều người tỏ ra bức xúc và phẫn nộ trước hành động của người cha
Cách đây cũng không lâu, ngày 2/4, em Mạch Thu N (8 tuổi, trú tại phường Cam Giá, TP Thái Nguyên) bị mẹ nuôi đánh phải nhập viện. Được biết người mẹ nuôi của em do hiếm muộn nên cách đây 2 năm đã xin em về nuôi thế nhưng chỉ vì đi xem bói, “thầy” phán N không hợp tuổi nên bà đã thay đổi thái độ, thậm chí là đánh đập hành hạ dã man. Em N được một người lạ đưa vào cấp cứu với tình trạng hoảng loạn với triệu chứng đau đầu, đau ngực, cơ thể xuất hiện nhiều vết bầm tím. Tại bàn chân bên phải bị gãy một xương đốt bàn thứ 5. Giấc ngủ của em cũng chẳng lành, em thường giật mình trong đêm và khóc thét trong lo lắng, sợ hãi.
Suy thoái lối sống đạo đức
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng bạo hành đau lòng xảy ra với các em nhỏ này, do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn, các bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy cô... Mà điều này, cũng bắt nguồn từ việc, các thiết chế trong xã hội, nhất là luật pháp của chúng ta không được thực thi một cách nghiêm túc.
Thêm vào đó, thực tế hiện nay, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một số thành phần trong xã hội còn rất kém, nhiều người làm cha mẹ không hiểu biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định và liên tục vi phạm.
Theo các chuyên gia, việc trẻ bị bạo hành có thể bị những tổn thương nghiêm trọng tới sức khỏe, thể chất. Nghiêm trọng hơn, trẻ bị bạo hành cũng dễ bị chấn thương tâm lý, tự kỷ, thậm chí mắc phải những vấn đề tâm thần. Những trường hợp trẻ bị đánh đập đều khiến cơ thể bị tổn thương nhất định. Những tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ bị tử vong.
Các nhà khoa học nhận định, ở những trường hợp bị bạo hành khi còn nhỏ hầu hết những đứa trẻ này bị ám ảnh cả đời. Nhiều người trong số đó trở nên sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội. Họ cũng có biểu hiện mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân.
Tối ngày 7/12, Nguyễn Thành Dũng đã bị bắt khi y đang lẩn trốn tại TP.HCM.
Nghiêm trọng hơn, việc bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Khi trưởng thành có thể trở nên cục súc, nóng nảy dễ có hành vi bạo lực. Nhiều người chấn thương tâm lý dẫn tới những hành động hung hăng, thậm chí có hành vi tự hại, luôn muốn tự làm đau mình để giảm stress căng thẳng. Một số người từng bị bạo hành khi còn nhỏ có hành vi lệch chuẩn về tình dục như khẩu dâm, ác dâm…
Trước thực trạng đau lòng này, để ngăn chặn có hiệu quả, việc quan trọng nhất chính là công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải được đẩy mạnh, sâu rộng, thường xuyên, liên tục, thậm chí đến từng gia đình, nhà trường, khu dân cư để họ hiểu, nhận thức rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Thêm vào đó, các chế tài xử lý, khung hình phạt của chúng ta đối với các trường hợp vi phạm cần phải nghiêm minh, mang tính răn đe cao hơn nữa để mọi người khi nhìn vào đó thấy rõ, ý thức được hành động của mình.
Tuy nhiên, ở đây, cái quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc, chung tay, góp sức của toàn xã hội mới đạt được hiệu quả cao nhất trong việc phòng ngừa, chấm dứt các vụ việc bạo hành trẻ em có thể xảy ra trong tương lai.