Lệnh ngừng bắn mới tại Ukraine: Tín hiệu tích cực song liệu có lạc quan?

Nhật Minh| 22/02/2017 14:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lệnh ngừng bắn mới tại khu vực giao tranh ở Ukraine chính thức có hiệu lực từ 20.2. Nhiều nhà phân tích xem đây là tín hiệu tích cực cho thấy bài toán hòa bình cho xung đột Ukraine sắp có lời giải...

Lệnh ngừng bắn mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/2. Các thiết bị quân sự hạng nặng sẽ được rút ra khỏi khu vực giao tranh ở Ukraine. Nội dung bản thông báo mới liên quan đến cuộc xung đột quân sự ở miền đông Ukraine đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát đi từ Munich (Đức) khi ông đang tham gia một hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tín hiệu tích cực

Vậy là, 3 năm kể từ ngày cuộc xung đột Ukraine bắt đầu nổ ra vào cuối tháng 2/2014, tình hình dường như đã có “tín hiệu lạc quan”, một vài netizen bình luận trên mạng xã hội Twitter.

Thế nhưng, giới phân tích cũng như các chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, chuyên gia quân sự lại xem thông tin mà người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đưa ra mang đúng tính chất “ngoại giao” để “lấy lòng” các thành viên NATO đang có mặt tại Hội nghị An ninh Munich nhằm hướng tới một “tương lai tốt đẹp hơn” trong quan hệ hợp tác quân sự Nga - NATO. Lý do bởi, theo một vài nguồn tin, trong cuộc gặp bên lề trước thềm Hội nghị An ninh Munich, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thậm chí đã không thể tuyên bố rằng liệu NATO có sẵn sàng cho việc “bỏ qua nghi ngờ và sợ hãi để khôi phục hợp tác quân sự” với Moscow như mong muốn của Ngoại trưởng Nga hay không.

Lệnh ngừng bắn mới tại Ukraine: Tín hiệu tích cực song liệu có lạc quan?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavov công bố lệnh ngừng bắn mới tại Ukraine từ ngày 20/2/2017.

Trong khi đó, ngày 19/2, hãng thông tấn TASS bất ngờ đưa tin: Tổng thống Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh tuyên bố Nga tạm thời công nhận hộ chiếu và giấy tờ tùy thân do các nước Cộng hòa Lugansk và Donetsk tự xưng ở miền đông Ukraine cấp. Sắc lệnh nêu rõ, giấy tờ tùy thân, các bằng cấp giáo dục, giấy khai sinh, giấy khai tử… được cấp bởi các cơ quan hữu trách thuộc các khu vực này được Nga công nhận là “có hiệu lực”.

Ngay lập tức, quyết định này đã nhận được sự chỉ trích quyết liệt từ Tổng thống Ukraine Petro Peroshenko và chính quyền Kiev. Thậm chí, với Kiev, đây chính là… “sự leo thang cố tình” (!?). Và một trong những lý do mà Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin đưa ra đó là, sắc lệnh của Tổng thống Putin đã “đi ngược lại” thỏa thuận Minsk! Cụ thể, theo bản thỏa thuận ngừng bắn Minsk thông qua ngày 12/2/2015, các cuộc bầu cử tại Donetsk và Lugansk từ năm 2014 sẽ không được công nhận; người dân tại hai khu vực này sẽ phải tiến hành các cuộc bầu cử mới theo luật Ukraine - dưới sự giám sát của các nhân viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga lại cho hay, quyết định của ông chủ Điện Kremlin chỉ là một quyết định… mang tính nhân đạo. Và nếu chúng ta xem lại nội dung bản thỏa thuận Minsk và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá hành động của Điện Kremlin là hợp lý hay không, thì có lẽ Tổng thống Peroshenko cũng nên cân nhắc lại. Bởi ở đây có một điều khoản đáng chú ý yêu cầu “Ukraine sẽ phải thay đổi Hiến pháp để trao thêm nhiều quyền hơn nữa cho các vùng thuộc miền Đông nước này, bao gồm việc họ có quyền được thành lập lực lượng công an riêng của mình. Ngoài ra, các công dân sinh sống tại miền Đông có thể được tự do đi sang Nga”.

Vai trò của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump

Nhiều nhà quan sát đánh giá, Nga đã “hoàn toàn làm chủ” trên bàn đàm phán với Pháp, Đức cũng như nối lại quan hệ với Mỹ. Và việc Ngoại trưởng Sergei Lavrov phát đi thông báo về lệnh ngừng bắn mới tại Hội nghị An ninh Munich như đã nói ở trên chính là minh chứng cụ thể cho việc xem Điện Kremlin chính là “người thiết lập hòa bình” cho vấn đề xung đột Ukraine. Vậy nhưng, giới phân tích lại cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu này.

Lệnh ngừng bắn mới tại Ukraine: Tín hiệu tích cực song liệu có lạc quan?

Khủng hoảng Ukraine sẽ thật sự kết thúc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhà lãnh đạo có đường lối đối ngoại “cứng rắn” và “khó lường”, nhưng thường xuyên dành “lời khen có cánh” cho ông chủ Điện Kremlin?

Cần phải thừa nhận một thực tế là dù các bên liên quan đã cam kết thực hiện thỏa thuận Minsk song miền đông Ukraine vẫn chưa im tiếng súng; cũng như căng thẳng Moscow - Kiev không hề có dấu hiệu xuống thang. Theo một thống kê tương đối, đã có hơn 9.700 người thiệt mạng kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea thông qua một cuộc trưng cầu dân ý - mà chính quyền Kiev và phương Tây cho là bất hợp pháp và không phù hợp với Hiến pháp Ukraine. Xung đột vũ trang giữa phe nổi dậy (được cho là có sự hậu thuẫn của Moscow) và quân đội Ukraine đã leo thang trong những tuần gần đây khiến nhiều người thiệt mạng. Và cũng như các cuộc giao tranh trước đó, Kiev luôn khẳng định chính quân nổi dậy đã “chủ động tấn công” phần lãnh thổ do quân đội chính phủ Ukraine kiểm soát; còn tất nhiên phe nổi dậy thì tuyên bố ngược lại.

Cũng tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra tại Đức ngày 18/2, phó Tổng thống Mỹ Mike Pence còn tuyên bố, Washington sẽ tiếp tục yêu cầu Moscow phải “chịu trách nhiệm” trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thậm chí dù Nhà Trắng có tìm thấy điểm chung với Điện Kremlin. Đáng chú ý trong lời phát biểu của mình, Phó Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh “Tổng thống Trump cũng tin như vậy”.

Người ta cũng hoài nghi về “tín hiệu lạc quan” cho xung đột Ukraine khi mới đây, Tổng thống Trump chia sẻ trên Twitter cá nhân dòng trạng thái khiến giới quan sát giật mình. Ông viết: “Crimea đã bị Nga chiếm trong nhiệm kỳ của ông Obama. Phải chăng ông Obama đã quá mềm yếu trước Nga?”. Và Moscow lập tức đáp lại tuyên bố “bất di bất dịch” rằng sẽ không bao giờ trả lại Crimea cho Ukraine bởi bán đảo này là một phần lãnh thổ của Liên bang Nga!

Kết

Nếu xem xét kỹ từng động thái của ông Trump kể từ sau khi đắc cử đến nay, ông chưa hề có một tuyên bố chính thức nào liên quan đến vấn đề Crimea. Và ngay cả phát ngôn trên Twitter như vừa kể chẳng qua cũng chỉ là một câu nói đơn thuần trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, trong khi Liên minh châu Âu tiếp tục “cứng rắn” với Nga thì ông Trump cũng không lé lộ thêm bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào nhằm vào Moscow, hay đưa ra các điều kiện mới để buộc Nga từ bỏ Crimea. Và trước đó, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump còn tuyên bố sẽ cân nhắc công nhận Crimea là “một phần lãnh thổ của Nga”.

Lệnh ngừng bắn mới chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2 - Nút thắt quan trọng trong việc giải bài toán đi tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine dường như đã được cởi bỏ. Tín hiệu tích cực này liệu có củng cố thêm niềm tin cho những người theo chủ nghĩa lạc quan rằng khủng hoảng Ukraine sẽ thật sự kết thúc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhà lãnh đạo có đường lối đối ngoại “cứng rắn” và “khó lường”, nhưng lại thường xuyên dành “lời khen có cánh” cho ông chủ Điện Kremlin?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lệnh ngừng bắn mới tại Ukraine: Tín hiệu tích cực song liệu có lạc quan?