Lênh đênh kiếp vạn chài

congly.com.vn| 13/04/2012 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi trở lại thăm xóm vạn chài phường Tân Thịnh, Tp. Hòa Bình vào một buổi chiều đông trời mưa giăng mắc. Từng cơn gió chồm qua thổi cái lạnh sâu tái vào từng khoang thuyền rách nát. Vẫn cảnh cũ, người xưa, chỉ có điều trong mỗi gương mặt mà tôi đã gặp cách đây chừng 2 năm có già đi đôi chút. Nhưng, họ vẫn làm nghề chài lưới và… vớt xác.


Nửa thế kỷ trầm mình nơi sông nước


Vừa nhìn thấy tôi thấp thểnh trên bờ, ông Ngô Văn Tám (SN 1927) đã dò dẫm cởi nút thuyền thúng, tay khỏa chèo ra đón. “Căn nhà” của vợ chồng ông vẫn là chiếc thuyền cá mua của bạn chài từ mấy chục năm. Rách nát. Tả tơi. Gió lùa khoang này, thốc khoang kia cuốn theo mớ tro bếp bay mù mịt. Mù mịt như cảnh đời của hơn 200 thân phận con người sống lênh đênh trên 60 chiếc thuyền lá tre ở cái xóm vạn chài này 50 năm có lẻ.


Tôi chui trước, ông Tám chui sau, chiếc thuyền chao về một phía. Mấy cái chén uống nước sứt sẹo lăn lông lốc trên sạp. Mái đầu bà Khoa (SN 1931), vợ ông Tám, bạc trắng nhấp nhô, khi cao, khi thấp.

Một góc xóm vạn chài Tân Thịnh.


Thấm thoắt đã gần 40 năm kể từ ngày vợ chồng ông Tám, bà Khoa từ bỏ cuộc sống rày đây, mai đó, rong ruổi trên khắp các con sông miền Tây Bắc như dân du mục để về “định cư” ở đây, nơi “màn trời, chiếu… nước”. Cứ mỗi một năm trôi qua, ông bà lại hy vọng những lá đơn của mình gửi các ban, ngành địa phương đến được tay người nhận. Rồi người ta sẽ xét cho mua một nắm đất “đầu thừa, đuôi thẹo” ở đâu đó, để khi chết, có chỗ mà chôn. Và, cũng là để thực hiện cái di nguyện cuối cùng mà cả đời bố ông Tám chưa làm được: Lên bờ sống cho con cháu nó được học hành!


Nhìn gia tài của cặp vợ chồng già khiến những người lạc quan nhất cũng không khỏi giật mình, ngoài chiếc thuyền rách nát dăm bảy lần bị gió giật ném nóc ra giữa dòng sông Đà cuộn chảy, còn có hai chiếc nồi méo mó, đen nhánh cả trong lẫn ngoài; mấy bát sành tróc tóc; vài ba bộ quần áo vá chằng, vá đụp bọc bỏ đầu giường; tấm lưới cá mục tả tơi; bộ lưỡi câu dùng trục vớt người chết đuối… Chẳng lẽ ở cái thời buổi này rồi, ngay cạnh cuộc sống phồn hoa phía bên kia cầu Hòa Bình, người ta vẫn có thể sống tận nghèo, tận khổ như vậy sao?


Cháy bỏng khao khát được lên bờ


Bà Khoa có vẻ áy náy vì cái nghèo của mình nên phân trần: “Hồi trong năm cũng định mua ít lá về lợp lại cho nó lành để mưa hai vợ chồng già không phải mặc ni lông ngủ. Nhưng nghĩ, biết đâu sẽ sớm được chính quyền phường cho mua ít đất cắm dùi, thôi cố chịu, ai dè…! Chỉ tội cho lũ trẻ”.


Lũ trẻ mà bà Khoa nhắc đến ở đây là thế hệ con, cháu của bà, thế hệ tương lai. 5 con, 10 cháu, cộng thêm dâu, rể với hai thân già cũng hơn hai chục con người, “đại gia đình” ấy “nhồi nhét” trên 5 chiếc thuyền níu dọc bờ sông. Mỗi khi có công to, việc lớn, cả 5 thuyền lại chụm vào nhau như đám lục bình. Trên đó, mấy đứa trẻ ở truồng, rét tím tái, trò chơi duy nhất của chúng từ thủa lọt lòng là nghịch nước.

Trò chơi của những đứa trẻ vạn chài luôn gắn liền với đất và nước.


Thấy tôi thắc mắc sao không mặc quần áo ấm cho chúng, anh Ngô Văn Thông (Trưởng xóm chài Tân Thịnh), con rể ông Tám, chép miệng: “Mãi rồi chúng cũng quen. Ở đây, trẻ con nhà nào chả thế, cơm no ấm bụng là may rồi. Đến mùa xả lũ, mấy tháng trời không đánh bắt được con tôm, con cá, cơm còn không có mà ăn, huống hồ…!”. Thì ra, dù có cố gắng đến đâu, thu vén thế nào, nghèo, đói vẫn đeo bám họ đời nọ nối đời kia. Họ mặc nhiên coi đó là chuyện bình thường.


Ở vạn chài này, rất khó để đánh giá ai nghèo khổ hơn ai. Bởi, tất thảy 58 hộ gia đình với hơn 200 con người đều như nhau, sống bám vào sông. Từ miếng cơm, manh áo, đến cọng rau, viên thuốc… trông cả vào mấy con cá, con tôm được quăng vớt từ dưới dòng nước xiết. Cá, tôm ngày càng cạn kiệt khiến bữa đói của lũ trẻ ngày một dày lên, áo mặc cũng mỏng đi.


Mỗi cuộc đời chỉ có vài năm thơ ấu học trò. Ấy vậy mà gần 60 đứa trẻ được sinh ra và lớn lên dưới chân cầu Hòa Bình này, cái sự học cũng trôi nổi, lềnh bềnh không khác gì thân phận chúng. Hành trình đến với cái chữ của chúng vừa gian nan, vừa xa xôi diệu vợi. Ngày mưa cũng như ngày nắng, anh bồng em, em níu chị, đám trẻ dắt díu nhau chòng chành trên những chiếc thuyền thúng vừa chèo, vừa… xoay tít để vào bờ đi học. Mùa bão lũ, nước sông Đà dềnh lên chảy xiết, có muốn đến trường cũng đành chịu. Những cặp mắt thơ trẻ trong veo ngoái vào bờ tha thiết.


Họ không chỉ “khát” đất mà họ còn “khát” tất thảy những gì mà bản thân con người ta đáng được thụ hưởng ở cái xã hội bây giờ. Họ mong khi con đau bụng, vợ trở dạ, người già khó thở… không phải quấn áo mưa chèo thuyền giữa đêm tối bịt bùng sóng nước tìm thầy thuốc; trẻ con thôi phải đánh cược mạng mình vượt sông học chữ. Và, khi họ nằm xuống, bà con chòm xóm không phải nối thuyền, ghép bè để đưa tang… Họ “khát” đất liền mà đất liền thì xa.


Tôi chia tay vạn chài Tân Thịnh khi màn đêm sắp buông chùng xuống. Vài ba “thợ cá” đang trở về sau một ngày mòn mỏi mưu sinh. Mấy đứa trẻ thuyền bên đang lúi húi nhặt mớ rau muống hoe vàng chuẩn bị cho bữa cơm chiều, gương mặt chúng lam lũ, sạm đen vì nắng gió. Thẳm sâu trong những khuôn mặt, con người tận khổ mà tôi mới thoáng gặp, thoáng quen kia, tôi vẫn cảm nhận được họ đang ấp ủ khát khao vượt ra khỏi cái vạn chài nhỏ bé này.

Trung Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lênh đênh kiếp vạn chài