Lễ ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Mai Thoa| 26/02/2019 22:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 26/2, đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 đến 2022.

Tham dự lễ ký kết có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đồng chí Lê Quý Vương - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, và các cơ quan ban ngành Trung ương và Hà Nội.

 Lễ ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Việt Nam là nước sớm tham gia các Công ước quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng bảo vệ quyền con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, môi trường sống còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái diễn biến phức tạp nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Trong năm 2017, trẻ em gái chiếm 92,3%  trong số trẻ em bị xâm hại; phụ nữ và trẻ em chiếm 90% số nạn nhân bị mua bán; cứ 10 vụ ly hôn trong giai đoạn 2008-2018 thì gần 9 vụ xuất phát từ lý do bạo lực gia đình.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Lễ ký kết chương trình công tác giữa bốn ngành 

Không những thế, các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho bản thân họ và cả gia đình. Đây cũng là đối tượng có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù đòi hỏi sự nhạy cảm trong quá trình điều tra, xét hỏi. Do vậy, rất cần cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử thấu hiểu đặc điểm tâm sinh lý của phụ nữ và trẻ em, có kiến thức, kinh nghiệm giải quyết vụ việc đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, cần quy trình thống nhất giữa các ngành tố tụng về can thiệp các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại từ khâu tiếp nhận thông tin, xác định nhu cầu can thiệp đến khâu kiểm tra, đánh giá, giám sát phù hợp và các mô hình ưu việt như Tòa án gia đình và người chưa thành niên….

Trước thực trạng đó, thời gian qua Hội LHPN Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em, tuy nhiên các hoạt động đó còn mang tính chất riêng lẻ, vụ việc nên hiệu quả chưa cao, tác động chưa rộng.

Thực hiện các quy định của pháp luật, để nâng cao hiệu quả việc giải quyết các vụ việc liên quan tới phụ nữ và trẻ em; đồng thời kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em, năm 2019 Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề hoạt động Năm là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Lễ ký kết chương trình công tác giữa bốn ngành hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự cam kết cả các cơ quan trong thực thi pháp luật, góp phần xây dựng xã hội an toàn, trật tự, kỷ cương, thượng tôn pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Để thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp, ngoài nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể, các cơ quan ký kết thống nhất xây dựng trách nhiệm thực hiện chung, bao gồm: Phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện quyền giám sát trong tố tụng hình sự đối với các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em theo quy định tại Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Phối hợp tổ chức truyền thông đối với các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, gây bức xúc trong dư luận; phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai các hoạt động; biên soạn, xây dựng tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em; phối hợp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; Thống kê, thông tin về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái; hàng năm, tổ chức rút kinh nghiệm việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em; Phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm về tổ chức thực hiện chương trình phối hợp.

Lễ ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Quang cảnh buổi lễ

Trên cơ sở nội dung ký kết phối hợp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an cùng phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc theo ngành dọc tại các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức các hoạt động phù hợp.

Thay mặt 4 cơ quan tham gia ký kết Chương trình phối hợp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trọng trách trước nhân dân trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em không chỉ là mối quan tâm riêng của các cơ quan ký kết hôm nay mà của cả cộng đồng, thế giới. Liên Hợp Quốc cũng đã có rất nhiều Hiệp định về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, trong đó Việt Nam cũng là thành viên.

Chánh án nhấn mạnh, Phụ nữ, trẻ em là những đổi tượng dễ bị tổn thương, là mục tiêu bị xâm hại, nhất là nạn nhân trong một số loại tội phạm, như mua bán người, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục…Hiện tình trạng xâm hại phụ nữ, trẻ em thời gian qua rất nghiêm trọng nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, những nơi dân trí pháp luật còn hạn chế. Những vụ án xâm hại nói chung đều gây nên bức xúc xã hội, nhưng xâm hại phụ nữ, trẻ em gây nên những bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng. Mỗi vụ án xâm hại trẻ em đều gây nên những bức xúc mạnh mẽ gần như trong cả nước căm phẫn tội phạm nhưng cũng có phần oán trách các cơ quan có trách nhiệm. Nếu như điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mà không nghiêm, không kịp thời thể hiện tâm trạng của xã hội. Xã hội đặt ra yêu cầu về bảo vệ phụ nữ, trẻ em với sự đòi hỏi rất cao, đây là trách nhiệm lớn của toàn xã hội.

Thời gian qua, trước tình hình diễn biến tội phạm phức tạp và thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, về xây dựng pháp luật, đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng. Bộ luật hình sự sửa đổi và loại án về xâm hại trẻ em được đặt ra cụ thể hơn, khả thi hơn. Các trình tự, thủ tục đối với các vụ án có sự tham gia của bị can, các nạn nhân là vị thành niên cũng có thủ tục riêng.

Các cơ quan tư pháp cũng đã phối hợp với nhau chặt chẽ, trên thực tế việc điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo rất nghiêm minh tất cả loại vụ án này. Tuy nhiên, cũng có những vụ án chưa đáp ứng được yêu cầu, như vụ án ở Vũng Tàu, hay ở Điện Biên mới đây, xã hội đòi hỏi các cơ chất pháp cần phải khẩn trương, quyết liệt hơn.

Trước đòi hỏi như vậy, với sáng kiến của Hội LHPN Việt Nam tổ chức lễ ký kết phối hợp này nhằm bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em. Thể hiện trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong bảo vệ trẻ em. Đồng thời, xác định năm 2019 là năm bảo vệ trẻ em. Sự vào cuộc đồng lòng thể hiện qua nội dung tham gia phối hợp này của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày hôm nay.

Chánh án cũng mong rằng, với việc ký kết nội dung này, các cơ quan cũng đưa ra cam kết chính trị trước nhân dân và đề cao trách nhiệm phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Mong rằng các cơ quan hoàn thành trách nhiệm của mình, để những tội  phạm liên quan đến trẻ em phải được điều tra truy tố kịp thời và loại tội phạm này giảm dẫn đi trong  thời gian tới.

Chương trình phối hợp giai đoạn 2019 - 2022 tập trung vào các nội dung chính sau:

Phối hợp xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái; Phối hợp truyền thông đối với các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, gây bức xúc trong dư luận; phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai các hoạt động;

Phối hợp giám sát hoạt động tư pháp đối với các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Phối hợp nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thông qua bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và công chức ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an; phối hợp biên soạn, xây dựng tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em; Phối hợp sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, thi đua khen thưởng trong thực hiện Chương trình phối hợp.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái