Lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết

Bảo Dân| 17/10/2018 06:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo dự kiến, chương trình kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 22/10, Quốc hội khoá XIV sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Hội đồng nhân dân các cấp cũng thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ vào kỳ họp cuối năm 2018. Đây là lần thứ ba Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm. Hoạt động này chính là thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do các cơ quan này bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ.

 Phiếu tín nhiệm  sẽ có ba mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Thống kê qua hai lần thực hiện hoạt động này,  Quốc hội đã có 47 người được lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2013 và 50 người trong năm 2014. Cụ thể, năm 2013 có 18 người có tỷ lệ tín nhiệm cao từ 50% trở lên, 16 người tín nhiệm thấp từ 10% đến dưới 50%.

Năm 2014 có 25 người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên; 17 người “tín nhiệm thấp” từ 10% đến dưới 50%. Vậy là có một tỷ lệ không nhỏ quan chức được đánh giá là có tín nhiệm thấp.

Ban đọc đặt câu hỏi, vậy lấy phiếu tín nhiệm có gì khác với bỏ phiếu tín nhiệm? Theo giải thích của Tổng thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nhằm đánh giá mức độ tín nhiệm của Đại biểu Quốc hội. Nhưng một khi đã khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người được bỏ phiếu để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

Người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có quá 50% tổng số đại biểu QH, đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.

Được biết, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có một số điểm mới. Trước hết, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện chỉ một lần vào giữa nhiệm kỳ. Ở các địa phương, người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ mở rộng đến Chánh Văn phòng HĐND và tất cả các thành viên UBND.

Trong những tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có tiêu chí là được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao. Như vậy có thể hiểu, trường hợp cán bộ không đạt tín nhiệm cao thì kết quả lấy phiếu sẽ được đưa vào làm cơ sở để đánh giá. 

Mức độ tín nhiệm sẽ giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm tự soi xét lại mình để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Nhìn nhận việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định,  sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm, có hiệu quả công việc, tư duy đổi mới, phẩm chất tốt. Ngược lại, người không dám nghĩ, không dám làm, tư duy trì trệ, có biểu hiện của suy thoái thì dứt khoát sẽ bị đánh giá tín nhiệm thấp.

Được biết, mới đây, ngay sau Hội nghị Tung ương 8, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9  họp vào tháng 12 năm 2018 sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Rõ ràng việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước là việc làm rất cần thiết nhàm xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết