Ngày 17/8, Giám đốc Sở LĐTB&XH Thanh Hóa Trịnh Ngọc Dũng cho biết, Cục Người có công, Viện Pháp y quân đội, cùng chính quyền địa phương, đã lấy mẫu của thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại hang Tám Cô (đường 20 Quyết Thắng, Quảng Bình) để giám định ADN.
Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa, việc xác minh nhằm trả lại danh tính cho các liệt sĩ vốn là người con của quê hương Hoằng Hóa, đã hy sinh và hiện đang nằm lại tại tỉnh Quảng Bình, luôn là điều mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Hoằng Hóa và tỉnh Thanh Hóa luôn trăn trở. Đây cũng là dịp để tri ân thân nhân, gia đình các liệt sĩ tại Hang Tám Cô, trả lại danh tính hài cốt cho các liệt sĩ mà nhiều năm qua chưa thể thực hiện được.
Cơ quan chức năng lấy mẫu ADN để xác định danh tính các hài cốt liệt sỹ
Trước đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu các cơ quan chức năng sớm tiến hành lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ, mẫu sinh phẩm từ hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại hang Tám Cô nhằm sớm xác định rõ danh tính các phần mộ bằng phương pháp ADN.
Việc lấy mẫu sinh phẩm được áp dụng theo quy định tại công văn 600/NCC-LTHS ngày 21/6/2012 của Cục Người có công, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 30/8.
Ngày 15/8, Cục Người có công đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình và Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa tiến hành lấy mẫu sinh phẩm tại 6 phần mộ được đưa về từ hang Tám Cô an táng năm 1996 tại nghĩa trang Thanh niên Xung phong Thọ Lộc (thuộc xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), để xét nghiệm ADN.
Thân nhân liệt sỹ hang Tám Cô mong mỏi sớm xác định được danh tính
Tháng 11/1972, tại km16 đường 20 Quyết Thắng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), máy bay Mỹ đã ném bom đánh sập hang đá khiến 8 thanh niên xung phong hy sinh. Tất cả các liệt sĩ đều cùng quê huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) gồm: Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Trần Thị Tơ (SN 1954) cùng xã Hoằng Trường; Lê Thị Lương (SN 1953), Lê Thị Mai (SN 1952) cùng xã Hoằng Thịnh; Hoàng Văn Vụ (SN 1953) xã Hoằng Hà; Nguyễn Mậu Kỷ (SN 1947) xã Hoằng Đạt; Đỗ Thị Loan (SN 1952) xã Hoằng Ngọc.
Tìm về thôn 8, xã Hoằng Thịnh, chúng tôi đã được gặp cụ Lê Thị Ngoạn mẹ của liệt sĩ Lê Thị Lương. Bà Ngoạn (90 tuổi) – là mẹ liệt sĩ duy nhất còn sống trong số 8 liệt sĩ hy sinh tại Hang Tám Cô.
Bà Ngoạn có 6 người con, 4 trai, 2 gái; liệt sĩ Lương là con thứ 2 trong gia đình. Hỏi về nguyện vọng của bà đối với liệt sĩ Lương, bà Ngoạn nghẹn ngào nói: “Tôi đã già rồi, ước mong lớn nhất là được Nhà nước xác định AND để tìm thấy phần mộ chính xác của con để yên lòng nhắm mắt”.
Còn ông Lê Quốc Trương (61 tuổi), em trai liệt sĩ Lương bùi ngùi: “Nguyện vọng lớn nhất của gia đình tôi là được cơ quan chức năng xác định AND để gia đình yên tâm phần mộ đó chính xác là của chị tôi. Khi đã xác định được tên cho chị tôi rồi, gia đình mong muốn được để chị yên nghỉ trong Khu di tích Hang Tám Cô giống như các cô gái đã hy sinh và đang yên nghỉ ở ngã ba Đồng Lộc”.
Tại xã Hoằng Trường, nơi có 3 liệt sĩ hy sinh tại Hang Tám cô, gặp ông Nguyễn Văn Phi là em trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương. Ông Phi tâm sự: “Anh Phương là anh cả trong gia đình có 6 anh em. Nghe bố mẹ tôi kể lại, anh tôi đã xung phong ra chiến trường khi chưa tròn 18 tuổi. Nhiều năm qua, gia đình tôi đã nhận được sự quan tâm, động viên về tinh thần, vật chất của ngành LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương, gia đình tôi rất ghi nhận. Nguyện vọng của bố mẹ tôi khi còn sống, cũng như nguyện vọng của anh em tôi bây giờ là được một lần xác định phần mộ anh tôi bằng AND”.
Còn ông Trần Như Thảo, em trai của liệt sĩ Trần Thị Tơ cho hay: “Hàng năm vào dịp 27/7- Ngày Thương binh, Liệt sĩ, gia đình tôi nhận được sự quan tâm động viên, thăm hỏi, tặng quà của ngành LĐ-TB&XH, của các cấp chính quyền địa phương, chúng tôi rất ghi nhận. Nguyện vọng của 8 gia đình, trong đó có gia đình tôi là được Nhà nước cho xác định AND để tìm đúng tên cho các anh, chị đã hy sinh tại Hang Tám Cô”.
Anh Nguyễn Văn Tịnh, em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ cho biết: “Cuối năm 1996, gia đình tôi có nghe nói các cơ quan chức năng đã tìm thấy 6 bộ hài cốt ở Hang Tám Cô, rất có thể đây là hài cốt của 8 TNXP trong đó có anh trai tôi đã hy sinh ngày 14/11/1972. Thời điểm trước đây việc xác định AND rất khó khăn, nay nguyện vọng của gia đình tôi được xác định AND phần hài cốt của anh tôi để gia đình yên tâm. Các anh, chị hy sinh ở Hang Tám Cô, thì hồn các liệt sĩ sẽ ở lại đó, vì lẽ đó, mong muốn của gia đình tôi để hài cốt anh tôi được an táng tại Hang Tám Cô”.
Có thể nói, sự hy sinh của 8 TNXH tại Hang Tám Cô là đau thương mất mát lớn của huyện Hoằng Hóa nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Việc an tang hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại Hang Tám Cô diễn ra từ năm 1996 đến nay vẫn chưa được giải tỏa. Xuất phát từ tâm nguyện của thân nhân các liệt sĩ, tỉnh Thanh Hóa sẽ tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Bình với tinh thần, trách nhiệm cao nhất thực hiện việc xác định AND để trả lại tên cho các liệt sĩ nhằm giải tỏa tâm lý, đền đáp lại công ơn các liệt sĩ và niềm mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ nhiều năm qua.