Vừa nghe cô thông bàn, thầy thông Chánh vội kêu lên: “Bộ mình điên sao? Từ nào đến giờ sống với nhau đã có mấy mặt con rồi, mình có thấy tôi đánh mình bao giờ đâu? Vậy mà bây giờ nỡ xúi tui làm chuyện thất nhơn ác đức đó?”.
KỲ 9: BỎ NHÀ TRỐN CHẠY TRONG ĐÊM, “ĐÓA HOA CÓ CHỦ” XỨ TRÀ VINH VẪN KHÔNG THOÁT TÀI ĐÁNH HƠI CỦA GÃ BIỆN LÝ MÊ GÁI
Vở kịch hoàn hảo
Cô thông phải nhẹ giọng giải thích thêm: “Tui nói là mình giả bộ, đóng tuồng mà chớ đâu phải làm thiệt. Giả bộ như mình ghen rồi chửi bới lớn tiếng lên. Tui cũng làm bộ như cãi lại chothiên hạ lối xóm nghe. Sau đó, mình cũng làm bộ xô bàn, xô ghế, rồi cũng giả bộ như đánh tui một trận. Để nhân đó, qua ngày hôm sau, tui dắt con bỏ đi mất. Theo đó, mọi người hiểu là tui chịu hổng nổi cơn ghen và hành hạ của mình, tui phải bỏ nhà trốn đi. Chờ đến khi nào mình có giấy tờ cho chuyển về Sài Gòn thì mình đi một mình lên đó. Tại Sài Gòn, mình lại gặp nhau. Như vậy, có phải là êm xuôi và tránh được phản ứng của thằng Tây mắc ôn đó hay không!”.
Mỗi khi ra đường, thầy thông Chánh phải đội mũ kín đầu để che giấu thân phận
Mãi một lúc sau, thầy thông Chánh mới nghe ra và nhẹ mỉm cười nói rất khẽ với vợ: “Đóng tuồng thôi nghe chớ hổng phải làm thiệt đâu. Mình đừng đi gieo tiếng ác cho tui đó, tui hổng chịu đâu!”. Vở tuồng mà vợ chồng thầy thông Chánh tính toán với nhau khá hợp lý. Vì vậy, vào một buổi sáng Chủ nhật, lối xóm bỗng nghe tiếng cãi vã, rồi tiếng bàn ghế ngã đổ lung tung bên nhà vợ chồng thầy Chánh.
Sau đó, mọi người lo sợ chạy qua xem tình hình. Mặc dù rất muốn can ngăn nhưng nghe cô thông vừa khóc thút thít vừa lên tiếng yêu cầu mọi người hãy để cho vợ chồng họ giải quyết chuyện riêng, đừng can thiệp nên chỉ đứng xem. Tuy nhiên, vừa lúc ấy thì có một chiếc xe hơi dừng lại bên ngoài. Một người hàng xóm thân cận vội chạy vô nói lớn báo động: “Có thằng Tây mấy bữa hay tới đây, nó xăm xăm bước vô nhà kia kìa!”.
Trong lúc cô thông tỏ ra quýnh quáng lo sợ, thầy thông Chánh nhanh trí nói khẽ vào tai vợ: “Để tui làm bộ như bị mình cắn chảy máu ở tay, rồi tui chạy ra sân vừa kêu la cho thằng khốn nạn nó thấy máu nó sợ không dám vô, chớ để nó vô đây thì hư chuyện hết!”. Thầy xô vợ theo phía sau cánh cửa, rồi một mình bước ra ngoài sân và bất ngờ tự cắn vào cườm tay của mình một cái thật đích đáng, khiến cho máu chảy ròng ròng! Cô thông ở trong nhà không nhìn thấy cảnh này chớ nhìn thấy chắc cô đã chạy ra ngăn chồng lại thì hư chuyện. Vừa đưa cánh tay chảy đầy máu ra cố tình cho tên biện lý ở ngoài kia nhìn thấy. Đồng thời, thầy thông Chánh la lớn y như thật: “Chien méchant (chó dữ)”.
Đã làm việc lâu năm với tên biện lý Tây nhiều, thầy biết mặc dù có dã tâm hiểm độc nhưng thằng biện lý Tây rất nhát gan, đặc biệt là rất sợ chó, cho nên câu nói của thầy thông Chánh quả đã làm cho hắn sợ hãi, nên chưa kịp bước xuống xe đã vội bước trở lên rồi đóng sầm cửa lại vừa hối tài xế: “aller vite (đi nhanh lên!)”. Tài xế cho xe vọt đi nhanh, anh ta vừa ngạc nhiên vừa lên tiếng hỏi nhưng tên biện lý mặt xanh như tàu lá không trả lời tiếng nào. Mãi đến khi chạy xa rồi hắn mới thở khì một tiếng như trút được gánh nặng. Đằng này, thầy thông Chánh sau khi đóng tuồng đuổi được tên biện lý đi rồi, mới kịp giải thích với vợ: “Nhờ tôi đem con chó dữ ra hù mà đã đuổi được thằng chó đẻ đó đi, ơn trời!”.
Cô thông nhìn thấy máu trên tay chồng chảy ròng ròng, hốt hoảng kêu lên, thầy thông vội giải thích: “Không sao đâu mình. Tôi giả bộ vậy mà”. Cô thông vẫn lo lắng: “Giả bộ gì mà máu chảy ròng ròng, mà ai làm cho mình chảy máu vậy?”. Lúc này, thầy thông Chánh mới kịp giải thích cho vợ nghe. Vừa nghe xong, cô thông xanh mặt giọng run run: “Trời đất thánh thần ơi. Sao mình tự hành hạ thân xác như vậy, lỡ nhiễm độc thì sao?”. Thầy thông Chánh lại giải thích thêm: “Chẳng thà chấp nhận đau đớn một chút, mất một chút máu còn hơn là để cho thằng chó đẻ đó vô rồi, tôi dằn không được thì lại sanh chuyện lớn hơn nữa!”.
Vẫn không thoát khỏi tai mắt của gã biện lý
Cô thông thương chồng quá vội kéo thầy thông Chánh vô nhà lấy muối xát vết thương, lo lắng gần như muốn khóc. Cô thông nói: “Trời ơi… gần xong chuyện rồi mà còn tai bay họa gởi nữa, sao mà khổ quá vậy trời!”.
Vừa lúc ấy, những người hàng xóm kịp chạy qua, họ thấy tay của thầy thông Chánh chảy máu, tưởng do những ẩu đả nãy giờ mà ra, nên càng tỏ ra lo lắng khuyên lơn… Cô thông là người đóng tuồng giỏi, cho nên lại tiếp tục giả bộ bù lu bù loa với mọi người: “Bà con hàng xóm coi đó, chuyện tôi bị thằng Tây nó hà hiếp thì ai còn lạ gì nữa, đâu phải là tui muốn. Vậy mà ổng đi về cứ nổi cơn thịnh nộ, ổng ghen lồng lộn, cứ đổ thừa tại vì tôi đẹp, cho nên thằng Tây nó mới nổi cơn lên giở trò. Bà con coi ổng nói như vậy mà nghe được hay sao chớ. Tui nói thiệt ổng mà còn ghen như vầy nữa thì tui chẳng thà bỏ nhà ra đi, chớ ở làm sao được với một người chồng ghen tuông chẳng còn biết phải quấy gì nữa hết!
Xin bà con chứng giám cho và thấu hiểu cho lòng dạ một người đàn bà chỉ biết hứng chịu hết khổ đau này đến đau khổ khác mà không biết kêu đâu cho thấu hỡi trời!”. Trước vở tuồng rất khéo đó, mọi người đều lên tiếng bênh vực cho cô Thông, không ngớt khuyên thầy thông Chánh hãy bình tâm để giữ hạnh phúc gia đình. Thầy thông Chánh chỉ biết im lặng từ đầu đến cuối. Cuối cùng cũng kịp nói một câu để mọi người muốn nghĩ sao thì nghĩ: “Vợ con không hiểu mình, mình vì thương nó nên mới ghen, vậy mà nó lại cho rằng…”.
Từ đó đến chiều tối, vợ chồng họ lại tái diễn màn đấu khẩu, đập bàn đập ghế một lần nữa. Khuya hôm đó, cô thông dẫn cô con gái thứ ba lén lút đi ngõ sau, làm một cuộc chạy trốn có xếp đặt… Đến sáng ngày hôm sau thì cả xóm đều hay tin động trời: vợ thầy thông Chánh bị chồng đánh nên đã bỏ nhà ra đi! Thầy thông Chánh lại một phen bị tiếng bấc tiếng chì của hàng xóm. Bởi lâu nay, họ rất trọng vọng gia đình này và thương cô Thông người phụ nữ hiền thục, một mực thương chồng con… Có người còn thẳng thừng buông ra câu: “Già néo đứt dây mà thôi! Sức chịu đựng của phụ nữ có hạn mà…”.
Thoát được miệng hùm nhưng vợ chồng thầy thông Chánh vẫn chưa dám công khai tái hợp với nhau. Nhất là thầy thông Chánh đã được bạn bè giúp đỡ cho vào làm ở một công sở khác, cũng với vai trò thông ngôn. Họ mướn một căn nhà nhỏ ở một khu xóm lao động. Bà vợ thầy thông Chánh thì nấu xôi buổi sáng ngồi bán trước một trường tiểu học gần xóm. Riêng thầy thông Chánh thì lặng lẽ ngày hai buổi đi làm, và mỗi khi ra đường đều ngụy trang bằng cách đội nón trùm kín cả mặt. Họ luôn nơm nớp lo sợ nhưng cũng hy vọng là qua thời gian, tên khốn nạn Jaboin sẽ quên chuyện cũ, để cho vợ chồng thầy thông Chánh được sống yên. Tuy nhiên cây muốn lặng mà gió chẳng dừng…
(Còn nữa...)
Nỗi kinh hoàng quay trở lại Vào một ngày kia, khi ấy là đầu tuần, trường học đông học sinh và phụ huynh đưa đón, nên nồi xôi của cô thông bán đắt như tôm tươi, chỉ còn một chút nữa là hết. Cô nghĩ bụng bữa nay sẽ ghé qua chợ mua vài món ăn mà thầy thông Chánh ưa thích để chiều vợ chồng sẽ ăn với nhau một bữa cơm ngon mà lâu lắm rồi, kể từ khi bôn tẩu ra khỏi Trà Vinh về đây, họ chưa có bữa nào ăn ngon và thoải mái cả. Lúc ấy, có ba học sinh đến mua ba gói xôi, và cô thông vừa gói xong ba gói giấy đưa cho ba đứa bé. Còn chưa kịp lấy tiền, bỗng có một giọng nói vang lên, mà vừa nghe cái âm thanh đó, cô Thông đã muốn té xỉu: “Còn bao nhiêu tui mua hết!”… |