Lật lại vụ án gây chấn động Sài Gòn xưa (kỳ 1)

Nhà văn Thượng Hồng| 28/07/2014 09:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do ảnh hưởng của nền văn hóa nước Pháp, Sài Gòn xưa (TP.HCM hiện nay) những năm đầu thế kỷ XX đã tổ chức cuộc thi nhan sắc đầu tiên. Cô Ba Thiệu, một thiếu nữ đẹp miền Tây, con gái thầy Thông Chánh trở thành hoa khôi, nổi tiếng khắp một vùng.

Nhưng cũng nhan sắc này đã đẩy người cha vào vòng lao lý, gia đình ly tán, khi thầy Thông Chánh xách súng bắn chết tay biện lý Tòa án tỉnh Trà Vinh. Đằng sau vụ thảm án này, không phải vì ghen tuông như người ta lầm tưởng, mà là nỗi phẫn uất của một người chồng, người cha, khi vợ và con gái mình bị các quan chức cao cấp Pháp dùng quyền lực và mưu mô tìm cách dụ dỗ.

Kỳ 1: Lộ diện người đàn bà mang vẻ đẹp khuynh đảo xứ Nam kỳ một thuở

Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 (1880 - 1890), các tỉnh miền Nam, gọi là Nam kỳ lục tỉnh, đã đặt dưới sự cai trị của người Pháp. Mọi sinh hoạt hằng ngày cho tới đời sống văn hóa văn nghệ cũng bắt đầu có chiều hướng đi theo cung cách của văn minh Pháp, mà các quan chức của nhà nước - gọi là nhà nước tự trị Nam kỳ - chủ trương như vậy. 

Rầm rộ tổ chức cuộc thi sắc đẹp

Có lẽ nhằm đồng hóa người Việt với nền văn minh Pháp cho nên Sài Gòn, là thủ phủ của toàn miền Nam lúc ấy, bắt đầu mọc lên những hình thức vui chơi giải trí rất nhộn nhịp và phong phú theo kiểu các đô thị đi trước ở Á châu như Singapore, Hồng Kông v.v. Vào năm 1863 số người Pháp lưu trú tại Sài gòn chưa tới sáu trăm người, trong đó nữ chỉ chiếm một phần tư, tình trạng thừa nam thiếu nữ như vậy dễ dẫn đến sự chểnh mảng công việc của các Pháp kiều nam. Từ đó, ý định tổ chức các hình thức vui chơi, giải trí của kiều dân nảy sinh.

Lật lại vụ án gây chấn động Sài Gòn xưa (kỳ 1)

Cuộc thi tuyển hoa khôi Nam kỳ lục tỉnh được quảng bá khá rộng rãi trong các giới sinh sống tại Sài Gòn Gia Định và các tỉnh lân cận

Vào thời điểm ấy, Sài Gòn chỉ có một rạp hát tạm đặt trong ngôi nhà xây bằng gỗ của kỹ sư đô đốc Bonard tại Place de l'Horloge (quảng trường Đồng hồ), nơi này về sau chính là Vương cung thánh đường (tức nhà thờ Đức bà ngày nay). Một sĩ quan cấp tá trong lực lượng hải quân Pháp nảy ra sáng kiến định tổ chức một cuộc thi tuyển lựa người đẹp trong giới Pháp kiều tại Sài Gòn. Viên sĩ quan thiếu tá này đem ý tưởng của mình trình với cấp trên và đem thỉnh ý đề đốc Bonard.

Thấy ý lạ, Bonard duyệt ngay, tuy nhiên, khi phổ biến tin đó trong các cuộc họp mặt cuối tuần thì nhiều Pháp kiều không đồng tình vì tổng số nữ Pháp kiều chưa tới một trăm năm mươi người, như vậy tìm đâu ra hoa hậu, hoa khôi thật sự. Cuối cùng “ý tưởng lạ” đó đã phải tạm gác lại. Nhưng viên thiếu tá hải quân vẫn chưa chịu thua. Ông được một người bạn gợi ý tiếp xúc với mấy người Hoa chuyên kinh doanh hàng hải để bàn tiếp về kế hoạch tổ chức. Kể từ khi người Pháp đặt chân tới đất Sài Gòn (1859), trước khi họ tổ chức được các dịch vụ giải trí, chính một nhóm người Hoa đã giúp họ rước các vũ công, gái điếm từ Singapore sang để giúp vui.

Vào tháng 12/1864, kế hoạch tổ chức một cuộc tuyển lựa hoa khôi Sài Gòn được chính thức thông qua với một số quy định chính gồm: Con gái tuổi từ 18 - 20, chưa chồng, viên chức làm việc cho nhà nước tự trị, thi ba phần trang phục gồm: Áo đầm, áo dài Việt Nam và áo tắm. Chính cái phần thứ ba của phần thi trang phục đó đã gây trở ngại lớn. Dư luận lên tiếng phản đối mạnh làm cho ban tổ chức phải chùn bước.

Cuối cùng một Hoa thương đưa ý kiến nên mời 20 cô gái Hoa cư ngụ ở Singapore sang làm nòng cốt cho cuộc thi. Chấm cho họ đậu rồi công bố họ là con em của người Minh Hương tại Chợ Lớn. Xem ra cũng tạm ổn nên cuộc thi vẫn được tiến hành. Thời ấy chưa có các phương tiện truyền thông rộng rãi nên nội dung cuộc thi chỉ được phổ biến trong giới Pháp kiều, Hoa kiều và một ít nơi công cộng trong thành phố. Ngay như tờ báo Việt Nam duy nhất ở Sài Gòn lúc ấy là tờ Gia Định báo của ông Trương Vĩnh Ký, cũng không được thông tin này.

Nhan sắc Nam kỳ lục tỉnh lên ngôi

Dân địa phương không mặn mà lắm với cuộc thi quá lạ lẫm này nên chỉ liếc qua các áp phích quảng cáo rồi thôi… Đúng ngày giáng sinh 1864, cuộc thi Hoa khôi Sài Gòn bắt đầu tại quảng trường Đồng hồ. Tham dự cuộc thi gồm có hai mươi cô gái Hoa được đưa từ Singapore sang, 10 cô là con em của giới Hoa kiều tại Chợ Lớn. Kết quả hoa khôi là một cô gái Singapore, á khôi là con một phú thương Hoa kiều tên là W.Venchee.

Kết quả, cuộc thi chẳng có một tiếng vang nào ngoại trừ tin tức được đăng trên một tờ báo Hoa ngữ tại Singapore, người Pháp cũng không dám nhắc nhiều đến cuộc thi đó, bởi họ sợ sự phê phán của người Sài Gòn. Song, họ cũng không thể ngăn được một nhóm công chức người Việt làm việc cho Pháp đã nóng mũi bàn với nhau trả đũa bằng cách sẽ tổ chức một cuộc thi chọn hoa khôi Sài Gòn thật sự. Trở ngại lớn nhất đối với họ lúc đó là không có quyền và phương tiện để tiến hành cuộc thi.

May sao một viên phó tham biện người Việt vốn trước đó có du học bên Pháp, biết rành việc tổ chức thi hoa hậu, lại quen với vài quan chức ở phủ toàn quyền, nên đứng ra nhận nhiệm vụ môi giới. Người Pháp cũng muốn xoa dịu dân địa phương nên đã chấp thuận cho tổ chức một cuộc thi tuyển hoa khôi trong nhóm người Việt. Nhưng trong ban tổ chức đã có đến hơn phân nửa là các quan chức Pháp. Cuộc thi được quảng bá khá rộng rãi trong các giới sinh sống tại Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh lân cận, có gần một trăm cô gái dự thi.

Thật ra không phải do chính các cô gái đứng ra tự ghi tên đăng ký dự thi, mà là do quan chức các nơi đứng ra đăng ký giúp, theo kiểu tự lựa trong số các cô gái đẹp ở các nơi rồi tự đăng ký. Việc này phổ biến ở một số tỉnh gần Sài Gòn như Tân An, Mỹ Tho, Trà Vinh v.v… Tất nhiên là cuộc thi này không được sự ủng hộ lắm của các địa phương xa Sài Gòn, ngay như tại Sài Gòn mà các cô gái con nhà lành cũng rất ái ngại tham gia. Nhưng cuộc thi đã lỡ phát động rồi không lẽ hủy bỏ cho nên các quan chức đề xướng đã phải rất vất vả đi vận động ngầm để cho cuộc thi gọi là thi tuyển hoa khôi được tiến hành suôn sẻ.

Lúc đầu, người ta dự tính đặt tên cho cuộc thi là “Chọn hoa khôi Sài Gòn”. Nhưng sau đó theo gợi ý của vài quan chức ở phủ toàn quyền thì nên lấy cái tên rộng hơn, lớn hơn như “Hoa khôi Nam kỳ lục tỉnh”. Sau cùng, ý tưởng này được chấp nhận và cuộc thi được tiến hành vào tháng 12/1886 tại Sài Gòn. Kết quả cuộc thi hoa khôi ấy khiến cho người ta phải sững sờ, khi một cô gái có gốc là người tỉnh Trà Vinh đã được chọn một cách xứng đáng. Đây là cô gái chỉ mới 17 tuổi nhưng nhan sắc mặn mà, hết sức tươi tắn và không hổ danh là con gái miền Nam xứ gạo trắng nước trong Nam kỳ.

Cô này có cái tên hết sức nôm na bình dị gọi là Cô Ba. Cô tên thật là Nguyễn Thị Thiệu, là con gái thứ ba của một viên chức người Việt, làm việc tại tỉnh Trà Vinh, gọi nôm na là thầy Thông Chánh. Ông là người Việt Nam, có chút ít tiếng Pháp do được các linh mục công giáo ở tỉnh Trà Vinh dạy cho, và nhờ thế đã tham gia vào bộ máy công quyền tại tỉnh này với chức danh là thông ngôn (thông dịch) cho các quan chức người Pháp tại địa phương.

Còn nữa…

Sắc đẹp gây tội lỗi

Ông này có cô vợ người Việt lúc ấy đã ở tuổi gần ba mươi, nhưng sắc đẹp thật mặn mà, quyến rũ, đã khiến cho người dân địa phương lúc ấy luôn trầm trồ khen ngợi. Đặc biệt là các quan chức người Pháp có quyền thế rất ngưỡng mộ, bám sát theo và nhiều phen trêu chọc. Chính điều này đã dẫn tới một thảm kịch sau đó không lâu, mà ở những bài tới chúng tôi sẽ đề cập đến. Đây là mở đầu cho một vụ thảm án lớn nhất miền Nam thời ấy, đã khiến cho dư luận nội địa và cả nước ngoài nữa (tức là nước Pháp) và cả triều đình Huế sau đó cũng phải sững sờ, kinh hoàng...

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lật lại vụ án gây chấn động Sài Gòn xưa (kỳ 1)