Chỉ trong một năm, Nga đã biến Crimea từ một điểm đến du lịch hấp dẫn tại Ukraine đã trở thành một căn cứ quân sự của mình, AFP dẫn lời nhà lãnh đạo tinh thần cộng đồng người Tatar.
Những lá cờ tung bay trước tượng đài kỷ niệm Binh sĩ và Thủy thủ trong lễ kỷ niệm một năm Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea vào Nga tổ chức tại Sevastopol, hôm 18/3 vừa qua
Ông Mustafa Dzhemilev, nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đồng dân tộc thiểu số người Tatar tại bán đảo Crimea, người có quan điểm đối lập nổi bật thời Liên Xô, cũng cho biết, tại Crimea, các quyền mà người dân có được đã suy giảm trầm trọng kể từ khi Moscow nắm quyền kiểm soát cách đây một năm.
Ông Mustafa Dzhemilev phát biểu trong buổi họp báo tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York: “Crimea, từng là một địa điểm du lịch, đang bị biến thành một căn cứ quân sự… và đáng báo động nhất là Crimea có thể trở thành một căn cứ vũ khí hạt nhân”.
“Ngay lúc này, tại Crimea không có tự do và các quyền lợi… những người đứng lên đấu tranh vì niềm tin của họ, và trước hết cho sự sẵn sàng quay trở lại là một phần lãnh thổ của Ukraine đang bị đàn áp”.
Khoảng 10.000 - 15.000 người Tatar - một cộng đồng người Hồi giáo thiểu số với ngôn ngữ và văn hóa khác biệt - đã phải chạy trốn khỏi Crimea kể từ khi lá cờ Liên bang Nga tung bay trên bán đảo này, nhà lãnh đạo Tatar nói.
Ông Mustafa Dzhemilev đã được Lithuania, một thành viên của Hội đồng bảo an mời tới trụ sở Liên hiệp quốc tại New York, để tham gia một cuộc họp kín không chính thức về tình hình quyền con người tại Crimea.
Cuộc họp này đã bị Nga tẩy chay, bởi Moscow luôn xem Crimea là một phần lãnh thổ của mình trong lịch sử. Ngoài Nga, hai thành viên khác của Hội đồng bảo an là Trung Quốc và Venezuela đã không cử đại diện tham gia cuộc họp.