Các nhà lãnh đạo Mỹ và Đức cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga nên được duy trì cho đến khi Nga thực hiện một thỏa thuận kết thúc giao tranh ở Ukraine. Ý kiến này được nêu ra trong Hội nghị thượng đỉnh G7, vừa được khai mạc tại Đức, hôm 7/6.
Được biết, Moscow là mục tiêu của các trừng phạt mà Liên minh châu Âu và Mỹ nhắm vào vì cho rằng, Nga đã hậu thuẫn cho quân nổi dậy ở Ukraina, bất chấp việc Moscow luôn bác bỏ điều này và nói rằng, bất cứ người lính nào của Nga hiện diện ở đó đều là tình nguyện.
Trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm riêng của Tổng thống Mỹ Obama với Thủ tướng Đức Merkel bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Nhà Trắng cho biết: “Thời hạn trừng phạt phải được gắn kết rõ ràng với việc Nga thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine”.
Tổng thống Mỹ Obama gặp gỡ Thủ tướng Đức Merkel tại Thượng đỉnh G7 nhóm họp ở Đức
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố: “Tất cả chúng tôi cho rằng, vấn đề nước Nga nên được đặt trên bàn thảo luận. Nhóm G7 không phải chỉ hoạt động vì mục đích kinh tế và chính trị, mà trước hết, đây là một cộng đồng của những giá trị. Đó cũng chính là lí do vì sao Nga không còn ở đây nữa vào thời điểm hiện tại”. Ông Tusk còn khẳng định, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ nghiêm ngặt hơn. "Nếu bất cứ ai muốn bắt đầu một cuộc tranh luận về việc thay đổi cơ chế trừng phạt, các cuộc thảo luận chỉ có thể là về việc tăng cường nó”, ông Tusk nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 7/6 tuyên bố, bất cứ quyết định nới lỏng lệnh trừng phạt nào đều phụ thuộc vào Nga và cách xử sự của nước này đối với vấn đề Ukraina. Còn Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, ông hy vọng sẽ có một mặt trận hợp nhất nhằm đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt được tiếp tục, mặc dù ông thừa nhận "trừng phạt ảnh hưởng tới tất cả chúng ta".
Đài RIA Novosti của Nga dẫn nguồn đáng tin cậy từ lãnh đạo EU cho hay, các nhà lãnh đạo EU có thể sẽ gia hạn lệnh trừng phạt Nga đến cuối năm nay. Quyết định này từng được các lãnh đạo EU nhất trí trên nguyên tắc trong cuộc họp thượng đỉnh tháng 3/2015, và dự kiến sẽ đưa ra quyết định chính thức trong cuộc họp vào các ngày 25 và 26/6.
Do đó, theo các nhà quan sát, việc EU dự định tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga không hề bất ngờ khi chính quyền Tổng thống Putin vừa tuyên bố, sẽ kéo dài lệnh cấm vận thực phẩm đối với phương Tây, nếu các lệnh trừng phạt chống nước này không được huỷ bỏ. Trước đó, Nga cũng công bố danh sách gồm 89 chính trị gia thuộc nhiều quốc gia trong khối EU bị cấm đến Nga.
Động thái trừng phạt và trả đũa giữa EU và Nga đã kéo dài hơn 1 năm qua, gây thiệt hại cho nền kinh tế của cả hai phía, đặc biệt là EU khi buôn bán giữa khối này và Nga lên tới con số 400 tỷ USD mỗi năm. Tuy vậy, bất chấp lệnh trừng phạt của EU, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng, nước Nga vẫn có khả năng tự nuôi sống bản thân. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tờ báo Corriere della Sera của Italia rằng: "Chỉ có người điên và chỉ trong mơ mới có thể tưởng tượng rằng Nga sẽ đột ngột tấn công NATO”.