Lăng không kình thuộc về hiện tượng khí công, tinh thần hoặc thôi miên. Thế nên giữa thầy và trò luyện tập cùng nhau một thời gian dài sẽ tự hình thành được giao ước ngầm.
Lăng không kình là một thuật ngữ chỉ phương pháp tạo ra sức mạnh từ những cú đẩy tay (kình pháp thôi thủ), xuất phát điểm từ thái cực quyền, là phương pháp ra đòn theo cách mượn tác dụng của tinh thần, tiếng hô lớn để áp đảo đối phương.
Với những người muốn ra đòn này, đầu tiên cần vận dụng công lực thu hút sự chú ý của đối phương, khiến đối phương không thể đề phòng rồi nhanh chóng uy hiếp tinh thần của họ.
Môn phái Nam Huỳnh Đạo cho rằng trên thế giới nhiều võ sư sử dụng lăng không kình giống với nội công tâm pháp của Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt.
Hiểu một cách cụ thể, lăng không kình chính là cú tát (đập, đẩy, nhấc) vào đối thủ nhưng không trực tiếp chạm vào người mà cách một khoảng không. Khi đó, đối thủ và người ra đòn chưa kịp tiếp xúc với nhau đã bị làm cho ngã quỵ. Tuy nhiên, lăng không kình không được xem là một bộ môn võ thuật mà thuộc về khí công. Ở phương Tây, đây gọi là phép thôi miên.
Khí công là một hiện tượng tinh thần, dùng ý niệm để mượn sức mạnh của các bộ phận trong cơ thể, từ đó tưởng tượng như có một luồng khí đang chuyển động trong người. Ở mức độ cảnh giới cao nhất, khí công có thể đả thông nhâm đốc nhị mạch, gọi là ý thông nhâm đốc.
Lăng không kình không quá xa lạ với giới nội công Trung Quốc.
Khí công khác hẳn võ thuật, vốn là việc thường xuyên rèn luyện lặp đi lặp lại các động tác của cơ thể, không liên quan đến ý niệm, suy nghĩ. Ở mức độ cảnh giới cao nhất, võ thuật cũng có thể đả thông nhâm đốc nhị mạch, gọi là khí thông nhâm đốc. Chữ khí ở đây chính là cảm giác được sản sinh ra khi nước di chuyển trong cơ thể.
Tuy nhiên, tốc độ của khí so với tốc độ chảy của nước sẽ cao hơn rất nhiều và đó cũng chính là tốc độ của ý niệm. Sự tương hợp của hai thứ này là kết quả của một quá trình luyện tập lâu dài.
Lăng không kình thuộc về hiện tượng khí công, hiện tượng tinh thần hoặc hiện tượng thôi miên. Thế nên giữa thầy và trò luyện tập cùng nhau một thời gian dài sẽ tự hình thành được sự giao ước ngầm, tâm đầu ý hợp, thầy vừa phát lệnh, học trò sẽ phụ trách thực thi, hai người hợp thành một.
Theo trang Võ thuật Trung Hoa, lăng không kình thực sự là một dạng công phu thượng thừa của thái cực quyền. Tuy nhiên, nó không thần diệu như cách mà các tiểu thuyết kiếm hiệp miêu tả, cũng không giống như những pha biểu diễn trên các bộ phim truyền hình.
Lăng không kình cũng có nhiều cấp độ khác nhau.
Với những cao thủ thái cực quyền, việc dùng ý niệm để hạ gục đối thủ là có thật. Khi họ giơ quyền về phía đối phương, thậm chí chưa chạm vào người, đối phương đã có thể bị đánh lùi.
Tuy nhiên, để làm được việc này, không thể thiếu một điều kiện quan trọng, đó là khoảng cách không được ở quá xa, thường là giao chiến trước mặt nhau.
Trong buổi diễn thuyết của mình, võ sư nổi tiếng Trung Quốc Chu Đại Đồng cũng đã giải thích rằng qua việc tiếp xúc bằng tay, một cao thủ thái cực quyền có thể nâng bổng đối phương, khiến đối phương nằm giữa không trung một cách vô thức.
Với những cao thủ thâm hậu hơn, trong tích tắc và không cần tiếp xúc, họ đã có thể nhấc cả chân đối thủ khỏi mặt đất. Đây là bài học mà mọi cao thủ thái cực đều phải nắm được.