Lần đầu tiên tại Việt Nam: Bệnh nhân vẫn hát trong lúc bác sĩ mổ u não

Thảo Nguyên| 29/01/2019 09:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong lúc bác sĩ phẫu thuật, bệnh nhân hát Quốc ca với tâm trạng thoải mái, đây cũng là kỹ thuật mổ "thức tỉnh" lần đầu tiên tại được thực hiện tại Việt Nam.

7 tháng chuẩn bị

Bác sĩ Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, dưới sự giúp đỡ của 2 chuyên gia người Nhật Bản, trung tâm đã tiến hành ca phẫu thuật thức tỉnh lần đầu tiên tại Việt Nam.

Bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được phẫu thuật bằng phương pháp này là anh Nguyễn Trung K. (36 tuổi, ở Hà Nội).

Từ đầu năm 2018, anh K. thỉnh thoảng thấy đau đầu, sau đau tăng dần rồi nhanh chóng chuyển sang co giật, động kinh 2 lần liên tiếp. Gia đình đưa anh K. đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám, bác sĩ xác định anh mắc u tế bào thần kinh đệm, chèn ép vào nhiều vùng chức năng của não.

Tháng 4/2018, anh K. bước vào ca phẫu thuật lấy u bằng phương pháp kinh điển. Tuy nhiên, khối u của bệnh nhân kích cỡ lớn, nằm sát các vùng chức năng như vận động, ngôn ngữ... nên bác sĩ không thể khoét sâu lấy hết u, vì nếu lấy sạch, nguy cơ bệnh nhân bị liệt, rối loạn ngôn ngữ rất cao.

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Bệnh nhân vẫn hát trong lúc bác sĩ mổ u não

PGS.TS Đồng Văn Hệ 

Do đã ấp ủ phương pháp phẫu thuật thức tỉnh từ lâu, Bệnh viện Việt Đức đã cử nhiều bác sĩ đi học tại nhiều nước và vào tháng 6/2018, bệnh viện mời 2 chuyên gia người Nhật sang để xem xét các điều kiện chuyển giao kĩ thuật.

Theo PGS Hệ, kỹ thuật mổ thức tỉnh thường chỉ được thực hiện ở những nước phát triển, đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, có ê kíp phẫu thuật - gây mê được đào tạo bài bản và phối hợp rất nhịp nhàng, người bệnh phải phối hợp tốt.

Bệnh nhân đầu tiên được mổ bằng phương pháp này cũng yêu cầu phải biết tiếng Anh để trao đổi với các chuyên gia người nước ngoài trong cuộc mổ. Điều này giúp bác sĩ kịp thời phát hiện những điều không mong muốn để tránh làm tổn thương chức năng nói và vận động cho bệnh nhân mà vẫn cắt được khối u.

Bác sĩ mổ, bệnh nhân vẫn hát

Ca phẫu thuật đặc biệt cho bệnh nhân này diễn ra chiều 28/1 với sự trợ giúp của 2 chuyên gia đến từ Nhật Bản.

"Trong 6 giờ diễn ra ca mổ, có gần 2 tiếng bệnh nhân tỉnh và nói chuyện với bác sĩ trong khi phẫu thuật viên đang thực hiện chính ca mổ cho bệnh nhân này. Khi bác sĩ mổ, bệnh nhân hát bài "Quốc ca" và "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Bệnh nhân cũng trò chuyện với bác sĩ về công việc, gia đình và con cái”, PGS Hệ chia sẻ.

Nói về ưu việt của phương pháp phẫu thuật thức tỉnh lần đầu tiên tiến hành ở Việt Nam, PGS Đồng Văn Hệ cho biết, trong quá trình mổ thức tỉnh, kíp mổ sẽ biết được vùng nào là vùng nhạy cảm của bệnh nhân thông qua giao tiếp để tránh xâm lấn vùng chức năng có thể gây tổn thương.

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Bệnh nhân vẫn hát trong lúc bác sĩ mổ u não

Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

"Chúng tôi đã giải thích kỹ với bệnh nhân, đặc biệt là yếu tố tâm lý phải vững vàng. Bởi mổ thức tỉnh nên nếu bệnh nhân sợ hãi quá, hay khi bác sĩ đang mổ bệnh nhân giãy giụa não có thể lòi ra ngoài, khi đó ca phẫu thuật rất nguy hiểm”, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thông tin.

Khi tiến hành mổ thức tỉnh sẽ giảm thiểu các di chứng của bệnh nhân trong phẫu thuật như liệt, rối loạn chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân. Bệnh nhân sau mổ tỉnh táo hoàn toàn, sau phẫu thuật khoảng một tuần được ra viện. Đáng lưu ý chi phí mổ không hề cao hơn phương pháp kinh điển.

PGS Đồng Văn Hệ cũng cảnh báo, u tế bào thần kinh đệm là u hay gặp nhất trong não, làm tăng áp lực trong sọ khiến bệnh nhân đau đầu, buồn nôn, mờ mắt, mắt nhìn đôi, khứu giác giảm, thậm chí rối loạn hành vi, liệt nửa người, rối loạn nội tiết. Do đó khi người dân có những triệu chứng này cần đến các cơ sở để kiểm tra ngay, phát hiện u não kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên tại Việt Nam: Bệnh nhân vẫn hát trong lúc bác sĩ mổ u não