Doanh nghiệp - Doanh nhân

Lần đầu tiên sau 10 năm, doanh thu phí bảo hiểm giảm mạnh

Trang Nhi 28/12/2023 - 08:52

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tổng doanh thu phí bảo hiểm lần đầu tiên đã sụt giảm 8,1%. Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ sự yếu kém của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sau cuộc khủng hoảng niềm tin hồi đầu năm.

Sau khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã chững lại vào năm 2023 sau khủng hoảng niềm tin và việc các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh lĩnh vực này.

doanh-thu-bao-hiem.jpg
Lần đầu tiên sau 10 năm, doanh thu phí bảo hiểm giảm mạnh

Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục ghi nhận kết quả ổn định, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.

Theo ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 227.596 tỷ đồng. IAV không cung cấp con số cụ thể về doanh thu phí bảo hiểm của năm 2022 để làm mốc so sánh.

Tuy nhiên, khi so sánh với kết quả thống kê của Bộ Tài chính cho năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã sụt giảm 8,1%. Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ sự yếu kém của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sau cuộc khủng hoảng niềm tin hồi đầu năm.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, thì có thể thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành đã giảm 6,9% so với cùng kỳ, xuống còn 165.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Doanh thu của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7%.

Theo báo cáo tài chính từ 8 ngân hàng có công bố chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm, trong 9 tháng đầu năm, các nhà băng này đã kiếm tổng cộng 9.409 tỷ đồng từ việc bán chéo bảo hiểm, giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngân hàng như SeABank còn chứng kiến mức sụt giảm gần 80%.

Nếu quan sát kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm 2023 (11 công ty), có thể thấy hoạt động tài chính đã đem lại khoản lãi lớn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, lãi từ kinh doanh bảo hiểm lại giảm gần 50%. Cùng với các giải pháp tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã duy trì lợi nhuận không giảm quá 1%.

Các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lãi lớn từ hoạt động tài chính trong bối cảnh lãi suất vào cuối năm 2022, đầu 2023 tăng nhanh, giúp thu nhập từ từ tiền gửi, trái phiếu ghi nhận kết quả đột biến. Tiền gửi và trái phiếu chiếm khoảng 75% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vào cuối năm 2022, theo thống kê từ IAV.

Nhiều khả năng khoản lãi này sẽ không còn đột biến trong những năm tới, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Trong khi đó, niềm tin thị trường vẫn chưa trở lại, khiến doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động bán bảo hiểm khó khởi sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên sau 10 năm, doanh thu phí bảo hiểm giảm mạnh