Làm tốt công tác xây dựng và thi hành pháp luật sẽ góp phần “đánh chuột mà không để vỡ bình”

Ngọc Mai| 18/02/2023 09:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng ta làm tốt công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thì sẽ góp phần “đánh chuột mà không để vỡ bình”, thậm chí là không phải đánh vì khi đó như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, sẽ “không dám, không muốn và không thể” tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Làm tốt công tác xây dựng và thi hành pháp luật sẽ góp phần “đánh chuột mà không để vỡ bình”

Quanh cảnh hội nghị

Chiều 17/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Đoàn Chủ tịch).

Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cùng các thành viên Đoàn Chủ tịch.

Lắng nghe nhân dân, tiếp thu ý kiến đưa cuộc sống vào quyết sách của Quốc hội

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe trình bày dự thảo và thảo luận về kết quả công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đánh giá tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, trong năm 2022, hai cơ quan đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả thực chất các nội dung Quy chế phối hợp đã đề ra, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước. Đặc biệt, hai cơ quan đã tích cực phối hợp thực hiện một số cuộc vận động, chương trình lớn, tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội về các dự án Luật quan trọng, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp trên 5.000  ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Kỳ họp thứ Tư và Kỳ họp bất thường; phối hợp triển khai các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là giám sát về công tác quy hoạch, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Các thành viên Đoàn Chủ tịch đánh giá cao tinh thần đổi mới mạnh mẽ, dân chủ và hành động quyết liệt của Quốc hội Khoá XV trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thể hiện rõ nét tinh thần gần dân, lắng nghe nhân dân, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của nhân dân, đưa cuộc sống vào hoạt động nghị trường và các quyết sách của Quốc hội nhiều hơn, do đó, được nhân dân tin tưởng.

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đặc biệt đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất trân trọng ý kiến góp ý, phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với các dự án Luật. Không khí trong xây dựng pháp luật ngày càng dân chủ và có chiều sâu hơn.

Các ý kiến cũng đánh giá cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, nhất là việc chú trọng giám sát lại kết quả thực hiện các kết luận giám sát. Đồng thời, cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội đã rất lắng nghe ý kiến, đề xuất của Đoàn Chủ tịch và cử tri về các vấn đề nóng trong thực tiễn cuộc sống, đơn cử như vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện đã được đưa vào chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao chất lượng công tác dân nguyện; cho rằng, nội dung này đã thực hiện đúng di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, thế giới này không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”.

Để hoạt động phối hợp giữa hai bên ngày càng hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn, trong chương trình giám sát 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm, giám sát thật kỹ và chỉ rõ nguyên nhân trong việc chậm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bởi đến nay, vẫn chưa hoàn thành được văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số dự án của Chương trình trong giai đoạn 2020 – 2025, trong đó có Dự án về triển khai đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn.

Mọi ý kiến của người dân, doanh nghiệp đều phải được tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá rất cao đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên vào thành tựu chung khá toàn diện của đất nước trong năm 2022. Bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội; chú trọng công tác tôn giáo, dân tộc; tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, tăng cường thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Làm tốt công tác xây dựng và thi hành pháp luật sẽ góp phần “đánh chuột mà không để vỡ bình”

Chủ tịch Quốc hội: Chúng ta làm tốt công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thì sẽ góp phần “đánh chuột mà không để vỡ bình”

Nhấn mạnh những kết quả tích cực trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, trong năm 2023, hai cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của Nhân dân để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh nhiệm vụ lập pháp năm nay của Quốc hội tương đối nặng, trong đó có nhiều dự luật khó, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân như: dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)..., Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch và các Hội đồng tư vấn của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội thành viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phản biện chính sách đối với các dự luật này.

Đặc biệt, hiện nay tiến độ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm, chưa được như mong muốn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm thúc đẩy hơn nữa nhiệm vụ này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể phối hợp tổ chức Hội nghị chung để nghe ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân đối với dự luật quan trọng này.

“Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có yêu cầu bất cứ ý kiến nào của người dân, doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội... thì đều phải được tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình. Do đó, chúng tôi rất mong Mặt trận Tổ quốc tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phản biện chính sách. Cần thiết ở bất cứ giai đoạn nào, các đồng chí có ý kiến, có văn bản phản ánh, đóng góp ý kiến thì Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013. Đây là sự kiện lớn khởi đầu trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội mong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan tập trung hoàn thành việc tổng kết, rà soát Nghị quyết liên tịch 525 ngày 27/9/2012. Phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chuyên đề giám sát, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát.

Theo yêu cầu của Ban Bí thư, từ năm nay, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Vì vậy, hai cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt nội dung này để trình Quốc hội để nhân dân cũng giám sát lại hoạt động của Quốc hội và Mặt trận.

Lưu ý năm nay, Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch tăng cường giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ tốt hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

Ghi nhận các kiến nghị về tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “trước hết, pháp luật phải kín kẽ, không để sơ hở, không có điều kiện làm sai. Đảng đoàn Quốc hội đang tập trung cho vấn đề này và cũng vừa hoàn thành báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chỗ nào có khả năng sơ hở, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta làm tốt công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thì sẽ góp phần “đánh chuột mà không để vỡ bình”, thậm chí là không phải đánh vì khi đó, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói sẽ “không dám, không muốn và không thể” tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hai cơ quan phối hợp rà soát, đánh giá, cập nhật tình hình, xác định đúng, trúng các nội dung để đưa vào Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội. Tăng cường phối hợp để tiếp tục tạo chuyển biến trong nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội cũng như các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt công tác xây dựng và thi hành pháp luật sẽ góp phần “đánh chuột mà không để vỡ bình”